Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 26/12 tuyên bố rằng Chính phủ mà LHQ ủng hộ ở Libya đã đề nghị chính quyền của ông triển khai binh sĩ tới để hỗ trợ họ bảo vệ thành phố thủ đô Tripoli khỏi cuộc tấn công của các lực lượng đối lập. Đây có thể là diễn biến làm căng thẳng chiến trường Libya.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AP).
Sau Syria lại đến Libya
Các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu ngay trong tuần tới để thông qua quyết định điều quân này- Tổng thống Erdogan cho hay và thêm rằng Chính phủ của ông sẽ gửi một dự luật cho phép triển khai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tới Libya cho phía Quốc hội.
Phát biểu trước các quan chức trong đảng cầm quyền của mình, ông Erdogan nói rằng Chính phủ Tripoli của Thủ tướng Fayez Sarraj “đã gửi lời mời” Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh sĩ theo một thỏa thuận hợp tác quân sự mà hai bên ký kết mới đây. Ankara và Tripoli cũng ký một thỏa thuận hàng hải khác, và cả hai thỏa thuận trên đều vấp phải sự chỉ trích của chính quyền các nước trong và ngoài khu vực.
Chính quyền của ông Sarraj đã và đang phải đối mặt với một chiến dịch tấn công kể từ hồi tháng Tư năm nay bởi Chính phủ đối lập đặt trụ sở tại miền Đông Libya và các lực lượng thân với tướng Khalifa Hifter, người đang cố gắng giành lấy thủ đô Tripoli.
“Chúng tôi sẽ tới những nơi mà chúng tôi được mời, và không tới những nơi mà chúng tôi không được mời” - ông Erdogan nói - “Vào thời điểm hiện tại, do có một lời mời như vậy nên chúng tôi sẽ chấp nhận nó”.
“Chúng tôi sẽ trao cho chính quyền ở Tripoli mọi sự ủng hộ mà họ cần để chống lại vị tướng đang có âm mưu đảo chính, người được ủng hộ bởi các nước châu Âu và Arab” - ông Erdogan nhắc tới tướng Hifter và nói thêm: “Chúng tôi đang đứng về phía Chính phủ hợp pháp của Libya”.
Tổng thống Thổ Nhì Kỳ nói rằng, dự luật trên có thể được chuyển tới các nhà lập pháp vào ngày 8 hoặc ngày 9/1/2020, ngay khi Quốc hội trở lại làm việc sau kỳ nghỉ. Đảng cầm quyền của ông Erdogan hiện đang nắm thế đa số trong Quốc hội, điều cho thấy dự luật trên có thể dễ dàng được thông qua.
Libya hiện đang bị chia cắt giữa 2 chính quyền riêng biệt, chính quyền Sarraj ở Tripoli và chính quyền ở miền Đông, mỗi bên đều nhận được sự ủng hộ của một số phe phái trong nước và Chính phủ nước ngoài.
Chiến sự xung quanh Tripoli đã gia tăng trong những tuần gần đây, sau khi ông Hifter tuyên bố tổ chức một trận chiến “cuối cùng” và quyết định để chiếm thủ đô. Ông Hifter được hậu thuẫn bởi UAE và Ai Cập, ngoài ra còn có Pháp và Nga, trong khi Chính phủ Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Italy hậu thuẫn.
Căng thẳng với Nga
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố về kế hoạch tham chiến ở Libya cũng làm dấy lên quan ngại về mối quan hệ không mấy suôn sẻ giữa nước này với Nga.
Một số lời cáo buộc mà Tổng thống Erdogan đưa ra mới đây đã chống lại Nga khi ông cho rằng đang có một “cuộc xâm lược” Libya của lực lượng người Nga, khi có tới 2.000 binh sĩ đánh thuê tới đất nước Bắc Phi này.
“Tại sao ngày nay ở Libya có 5.000 lính đánh thuê từ Sudan và 2.000 lính đánh thuê từ Công ty Wagner? Họ đang làm gì ở đó? Các phương tiện truyền thông, nên hỏi về điều này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp trả hành động như vậy khi nhận được lời yêu cầu từ đồng minh là Chính phủ hợp pháp của Libya” - ông Erdogan tuyên bố.
Đây không phải là tuyên bố mạnh mẽ đầu tiên của ông Recep Tayyip Erdogan đối với Nga, nguyên nhân có thể là do lực lượng người Nga đã thực hiện cuộc tấn công vào lực lượng đối lập tại Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ.
Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp đưa quân vào Libya để hỗ trợ đồng minh GNA của mình thì gần như chắc chắn sẽ xảy ra những trận đụng độ giữa lực lượng vũ trang của họ với lính đánh thuê Wagner người Nga đang chiến đấu cho LNA.
Hiện tại, mặc dù Nga khẳng định rằng họ không dính dáng gì tới cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cùng cộng đồng quốc tế luôn cáo buộc binh lính đánh thuê Wagner là cánh tay nối dài và hoạt động dưới sự chỉ đạo của cơ quan chức năng Nga.