Sau khi một thỏa thuận gây tranh cãi và bất đồng trong cộng đồng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) với Thổ Nhĩ Kỳ được ký kết, giới lãnh đạo hai bên đã lập tức biến nó có hiệu lực kể từ ngày 20/3 nhằm cứu vãn ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng di cư lớn chưa từng có ở châu Âu.
Nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới khiến người di cư mắc kẹt (Nguồn: AP)
Theo thỏa thuận mới được ký kết, tất cả những người nhập cư đi vào lãnh thổ Hy Lạp giờ sẽ được gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ nếu như họ không nộp đơn xin tị nạn hoặc đơn xin của họ đã bị bác bỏ. Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh tình trạng người di cư đổ dồn vào Hy Lạp nhận được sự quan ngại đặc biệt của toàn thể châu Âu. Chính phủ nước này tuy nhiên nói rằng kế hoạch trên sẽ không thể được thực thi ngay lập tức.
Trong hôm Chủ nhật vừa qua, đội ngũ tình nguyện viên làm việc trên đảo Lebos của Hy Lạp đã đón những đợt người di cư đầu tiên theo thỏa thuận mới mà EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết. Chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận có hiệu lực, một bé gái 4 tuổi đã bị chết đuối khi một tàu chờ người di cư bị chìm ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin Anadolu cho hay.
Thỏa thuận mới nêu rõ rằng, cứ mỗi người nhập cư Syria được gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ, thì sẽ có 1 người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được chuyển đến EU; đây được gọi là kế hoạch 1-đổi-1. Tuy nhiên, việc thực thi kế hoạch này đến nay vẫn gây rất nhiều tranh cãi, trong đó có vấn đề làm thế nào để gửi trả người nhập cư trở lại.
Khoảng 2.300 chuyên gia, trong đó gồm các quan chức nhập cư và an ninh, dự kiến sẽ tới Hy Lạp để giúp thực thi thỏa thuận này. Tuy nhiên giới chức Hy Lạp cho hay, chưa có chuyên gia nào đến và vì vậy mà thỏa thuận này có khả năng chưa thể thực thi ngay được khi còn nhiều chi tiết chưa được làm rõ.
“Một kế hoạch như thế này không thể nào thực thi được chỉ trong vòng 24 giờ (sau khi ký kết)” - Người phát ngôn của cơ quan di cư thuộc chính phủ Hy Lạp, Giorgos Kyritsis, nói.
Bằng thỏa thuận này, giới lãnh đạo EU hy vọng sẽ khiến những người di cư từ bỏ ý định tham gia vào các hành trình vượt biển nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được gói hỗ trợ và một số ưu tiên về mặt chính trị.
Kể từ tháng 1/2015, khoảng 1 triệu người nhập cư và tị nạn đã đến EU trên các con tàu, chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp. Và kể từ đầu năm đến nay, số lượng người đến Hy Lạp tiếp tục tăng thêm 143.000 người, trong khi khoảng 460 người thiệt mạng, theo con số từ Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM).
Đa phần những người di cư đều mong muốn đến Đức - quốc gia được xem là đầu tàu kinh tế của châu Âu - và các nước Bắc Âu khác, thế nhưng hàng chục nghìn người đã bị mắc kẹt ở Hy Lạp do các tuyến đường di chuyển của họ bị chặn.
Tuy nhiên, giới phê bình lại nói rằng thỏa thuận này có khi lợi bất cập hại khi có thể buộc người di cư phải đến châu Âu bằng cách sử dụng các tuyến đường thậm chí còn nguy hiểm hơn trước đây, như tuyến đường biển từ Bắc Phi đến Italy.
Hôm cuối tuần qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho hay hơn 900 người di cư đã được họ hỗ trợ trên tuyến đường thuộc eo biển Sicily, hiện đang ngày càng trở nên đông đúc hơn. Trong khi đó, chính quyền Libya cũng cho hay, thi thể của 4 phụ nữ đã được phát hiện trong khi 20 người khác vẫn mất tích sau khi một thuyền trở người di cư chìm ở bở biển nước họ.
“Mở cửa biên giới”
Các tổ chức nhân quyền hiện nay cũng cực lực lên án thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cáo buộc EU đang “quay lưng lại với cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu”.
Cuối tuần qua, hàng nghìn người dân đã tổ chức biểu tình để ủng hộ người di cư và chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Hàng loạt các đoàn tuần hành đã được tổ chức ở London (Anh), Athens (Hy Lạp), Barcelona (Tây Ban Nha), Amsterdam (Hà Lan), Geneva (Thụy Sỹ) và nhiều thành phố châu Âu khác.
Ở thủ đô của Hy Lạp, những người biểu tình, trong đó gồm cả một số người di cư từ Afghanistan, đã giơ cao các biểu ngữ “Mở cửa biên giới” và “Chúng tôi là con người, chúng tôi có quyền”. Ở London, khoảng 4.000 người đã tham gia một đoàn tuần hành, trong đó mang theo biểu ngữ “Người di cư được chào đón ở đây” và “Chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.