Quốc hội Mỹ hôm 9/9 một lần nữa lao vào cuộc tranh luận gay gắt về cuộc bỏ phiếu sắp diễn ra liên quan đến Thỏa thuận hạt nhân Iran. Căng thẳng giữa các nhà làm luật diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama mới đây đã nhận được sự ủng hộ tối thiểu của các Thượng nghị sỹ nhằm tránh cho Thỏa thuận trên bị bác bỏ.
Thỏa thuận hạt nhân Iran tiếp tục hâm nóng
chính trường Mỹ sau kỳ nghỉ hè. (Nguồn: NPR).
42 Thượng nghị sĩ ủng hộ ông Obama
Trở về sau kỳ nghỉ hè, thủ lĩnh phe đa số Thượng viện Mitch McConnel đã nói rằng ông sẽ yêu cầu “tất cả Thượng nghị sỹ hiện diện ở Thượng viện” để tranh luận về ưu và nhược của Thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 đạt được với Iran hồi tháng 7 vừa qua.
Quốc hội Mỹ trở lại làm việc trong bối cảnh Nhà Trắng đã giành được chiến thắng trong việc đảm bảo Thỏa thuận hạt nhân nhờ số phiếu ủng hộ của 41 Thượng nghị sỹ, con số đủ để ngăn chặn một nghị quyết kêu gọi bác bỏ Thỏa thuận trên.
Thượng nghị sỹ Maria Cantwell, trước đó là thành viên Đảng Dân chủ duy nhất chưa quyết định theo phe nào, giờ đã nghiêng về phía ông Obama, trở thành Thượng nghị sỹ thứ 42 ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân. Ngoài ra, phía Đảng Dân chủ cũng có 4 Thượng nghị sỹ bỏ phiếu chống lại Thỏa thuận này.
Sau chiến thắng của chính quyền Obama, nghị quyết mà Đảng Cộng hòa đưa ra nhằm bác bỏ Thỏa thuận hạt nhân hiện đã bị chững lại ngay trước ngưỡng cửa Thượng viện. Đây là một cuộc đấu tranh căng thẳng diễn ra trong nội bộ nước Mỹ, với phía Đảng Cộng hòa tìm cách ngăn chặn Thỏa thuận hạt nhân, trong khi phía Nhà Trắng tung ra nỗ lực toàn diện để thuyết phục giới làm luật thông qua.
Bất chấp việc Đảng Cộng hòa chạy đua để bác bỏ thỏa thuận hạt nhân, ông Obama hồi tháng trước đã tuyên bố vừa đủ số phiếu ủng hộ để duy trì quyền phủ quyết của Tổng thống đối với nghị quyết mà phía Đảng Cộng hòa đưa ra.
Trong ngày 9/9, Nhà Trắng tiếp tục nhấn mạnh về việc sử dụng quyền phủ quyết của Tổng thống, cảnh báo rằng việc phá bỏ Thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ chỉ khiến cho nước này tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân đầy tranh cãi.
“Việc thực thi nghị quyết (của Đảng Cộng hòa) này sẽ là một đòn chí mạng đối với uy tín của nước Mỹ với tư cách là nước đi đầu trong ngoại giao và có thể làm nảy sinh biện pháp can thiệp quân sự”- Nhà Trắng nêu rõ trong một tuyên bố.
Bản Nghị quyết của Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ được đem ra bỏ phiếu ở Hạ viện Mỹ vào cuối tuần này. Tuy nhiên, do các Thượng nghị sỹ Ron Wyden, Gary Peters, Richard Blumenthal và Cantwell đã thể hiện rõ sự ủng hộ đối với ông Obama hôm 9-9, số phiếu cần thiết để ngăn chặn Nghị quyết này đến được Thượng viện đã được đảm bảo.
Còn nhiều hoài nghi
Một số thành viên Đảng Cộng hòa, như Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, vẫn đang chạy đua nhằm cứu vãn tình hình. Ông này cảnh báo rằng “dù có bằng biện pháp gì đi nữa, chúng ta đều biết rằng Iran sẽ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ nhờ vào Thỏa thuận này, và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình”.
Phe Cộng hòa rõ ràng đang tìm mọi cách để hủy Thỏa thuận hạt nhân, trong khi một số nghị sỹ Đảng Dân chủ cũng đã nghiêng về phía họ do ngờ rằng Iran đang “nắm đằng chuôi” trong Thỏa thuận này. Thực tế cho thấy rất nhiều nghị sỹ Đảng Dân chủ dù đã ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhưng lại với thái độ hoài nghi và không chắc chắn.
Nghị sỹ Blumenthal từng nói trong một tuyên bố rằng: “Đây không phải một Thỏa thuận mà tôi muốn ký kết trên bàn đàm phán, nhưng dù sao nó cũng tốt hơn là không có thỏa thuận nào”. Ông cũng nói rằng nếu như Washington rút khỏi Thỏa thuận mà họ đã nỗ lực đạt được cùng Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Iran thì “chính nước Mỹ sẽ bị cô lập thay vì Iran”.
Thượng nghị sỹ Ron Wyden cũng chia sẻ ý kiến tương tự khi cho rằng ông vẫn rất hoài nghi về việc chính quyền Iran có tuân theo Thỏa thuận này hay không, tuy nhiên vẫn cho rằng nếu không có Thỏa thuận này thì tình hình sẽ còn nguy hiểm hơn rất nhiều.