Tương lai của Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) vẫn chưa rõ ràng sau khi trải qua 6 vòng đàm phám căng thẳng trong năm nay. Vẫn còn những bất đồng chưa thể giải quyết giữa Iran với Mỹ và các bên tham gia, tuy nhiên, với việc Iran có “người chèo lái” mới đã mở ra hy vọng cho những vòng đàm phán tiếp theo.
Khởi đầu mới cho Iran
Ngày 6/8, Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi chính thức tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia điêu đứng vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, cuộc khủng hoảng y tế vì đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khắc phục và tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân vẫn đầy chông gai.
Ông Raisi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 18/6 vừa qua và nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 4 năm của ông đã bắt đầu từ lễ bổ nhiệm ngày 3/8 do Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei chủ trì.
Người tiền nhiệm của ông Raisi là cựu Tổng thống Hassan Rouhani với thành tựu lớn nhất trong 2 nhiệm kỳ tổng thống vừa qua chính là thỏa thuận hạt nhân Iran, tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết năm 2015 với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).
Hiện, Iran đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu rộng kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vì cho rằng Iran đã vi phạm các cam kết của thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với nước này từ năm 2018. Sau đó, Iran cũng rút hầu hết các cam kết chính nêu trong thỏa thuận.
Tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã được nối lại từ tháng Tư tại Vienna (Áo). Vòng đàm phán thứ 6 kết thúc vào ngày 20/6 nhưng các bên chưa ấn định thời gian tiến hành vòng đàm phán tiếp theo. Tương lai nối lại JCPOA vẫn là một cái kết mở.
Phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội ngày 6/8, tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nêu rõ theo sắc lệnh của Lãnh tụ Tối cao, Iran cấm vũ khí hạt nhân và loại vũ khí này không nằm trong chiến lược phòng thủ của Tehran.
Ông Raisi khẳng định, chương trình hạt nhân của nước này là chương trình hạt nhân “hoà bình.”
Tân Tổng thống Iran cũng bác bỏ chính sách gây áp lực và trừng phạt, nhấn mạnh áp lực sẽ không thể làm nhân dân Iran từ bỏ các quyền hợp pháp của mình. Iran ủng hộ và hoan nghênh bất cứ đề xuất ngoại giao nào dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Ông Raisi khẳng định sẽ cống hiến hết mình để phục vụ nhân dân, vì danh dự của đất nước, việc truyền bá tôn giáo và đạo đức, và ủng hộ sự thật và công lý và nhấn mạnh ưu tiên chính và quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Iran là “cải thiện quan hệ với các nước láng giềng”.
Trước đó, trong bài phát biểu tại buổi lễ bổ nhiệm ngày 3/8, ông Raisi cho rằng, những khó khăn về kinh tế xảy ra do cả các biện pháp cấm vận cũng như những yếu kém và vấn đề tồn tại trong nội bộ quốc gia.
Ông khẳng định chính quyền mới sẽ tìm cách dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt nhưng sẽ không để các thế lực bên ngoài tác động tới quyết sách nhằm cải thiện đời sống người dân.
Tín hiệu mới
Cũng trong ngày 6/8, ngay sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, Mỹ kêu gọi Iran quay lại đàm phán về việc trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhưng không quên nhấn mạnh, cánh cửa ngoại giao sẽ không mở mãi mãi.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, thông điệp của Mỹ gửi tới Tổng thống Ebrahim Raisi là Mỹ sẽ bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh quốc gia của mình và của các đối tác. Mỹ hy vọng, Iran nắm bắt cơ hội để thúc đẩy các giải pháp ngoại giao.
Cùng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho biết, trong một cuộc họp báo ngay sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tuyên thệ nhận chức rằng, chính quyền của Tổng thống Biden đang rất mong chờ tương lai của Thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
“Chính quyền Biden tin rằng, việc theo đuổi các giải pháp ngoại giao với Iran là vì lợi ích tốt nhất của Mỹ, mặc dù có những vấn đề với các hành động của Tehran đối với cộng đồng toàn cầu”, bà Psaki nói.
Ở một diễn biến liên quan, cùng ngày 6/8, các quan chức hàng đầu Bộ Ngoại giao Iran đã có các cuộc hội đàm về thỏa thuận hạt nhân Iran với Phó Tổng Thư ký đồng thời là Giám đốc chính trị của Ủy ban đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora, người đang có chuyến thăm nước này.
Theo thông báo tóm tắt về cuộc họp diễn ra ngày 4/8, Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif khẳng định các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) là do Mỹ đã vi phạm các cam kết và đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
Ngoài ra, ông cũng đề cập đến những thách thức trong các cuộc đàm phán ở Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận, trong đó cho rằng 3 nước châu Âu tham gia đàm phán tại Vienna đã “không hành động” trước việc Mỹ vi phạm thỏa thuận hạt nhân trong những năm vừa qua.
Phát biểu trong một sự kiện liên quan đến vũ khí hạt nhân hôm 6/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc thiếu tiến bộ hướng tới mục tiêu này.
Ông Guterres cho rằng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã và đang hiện đại hóa kho vũ khí của họ trong những năm gần đây, làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới. “Sự đảm bảo duy nhất ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân là loại bỏ chúng hoàn toàn”, ông Guterres khẳng định.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao đồng thời là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Abbas Araqchi cũng có cuộc gặp riêng với ông Mora tại Tehran.
Hai bên đã trao đổi quan điểm về quan hệ và hợp tác chung giữa Iran và EU trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả JCPOA. Ông Araqchi không quên nhấn mạnh sự cần thiết của việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương mà Mỹ áp đặt nhằm vào Iran.
Dù tân Tổng thống Raisi ủng hộ việc trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015, song tiến trình đàm phán tại Vienna (Áo) để đưa Mỹ và Iran trở lại thỏa thuận này đang gặp không ít trở ngại. Mỹ lo ngại không còn nhiều thời gian để đối thoại khi mà chương trình hạt nhân Iran đang đạt được tiến bộ và tiến gần hơn tới vũ khí hạt nhân. Còn Iran vẫn kiên quyết với những đòi hỏi mà phía Mỹ đang cho là “quá mức” và khó có thể đáp ứng.