Trong 11 huyện, thành phố hiện có của Hà Giang, Hoàng Su Phì là huyện nghèo, thuộc diện 30A. Để người dân miền đất nghèo này có cơ hội đi lên, Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa đã được triển khai và được coi như cơ hội cho miền đất khó này.
Thời gian qua, Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) được triển khai trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã và đang phát huy được hiệu quả.
Hàng nghìn hộ dân tại 8 xã trong vùng dự án có điều kiện nâng cao thu nhập, giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo vùng nông thôn.
Đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) và các hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cùng hợp tác có lợi, bền vững theo định hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chương trình đã góp phần cùng với huyện thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, Chương trình CPRP đã giải ngân lần 2 cho 17 nhóm sở thích, trong đó: Có 1 nhóm trồng thảo quả với tổng diện tích 20,6 ha; 3 nhóm trồng và chế biến chè với tổng diện tích 72,9 ha; 4 nhóm nuôi trâu, bò với tổng số trên 200 con; 9 nhóm nuôi dê với trên 1.047 con...
Hiện có thêm 33 nhóm sở thích mới với trên 400 thành viên đã nộp đề xuất xin nguồn tài trợ từ Chương trình. Ngoài ra, Chương trình còn tổ chức được 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn và người dân; trồng thử nghiệm giống đậu xanh DX1 tại thôn Cán Chỉ Dền (xã Tụ Nhân) với quy mô 1 ha, 25 hộ tham gia; có 23 nhóm duy trì hoạt động và đóng góp tiết kiệm với tổng số tiền là 13,45 triệu đồng...
Ông Vũ Bá Việt- Tổ phó Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP của huyện cho biết: Chương trình được triển khai nhằm nâng cao thu nhập, giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo nông thôn tại các xã mục tiêu của chương trình một cách bền vững. Theo đó, có khoảng 3.532 hộ nghèo và cận nghèo của huyện được hưởng lợi từ Chương trình.
Qua khảo sát tại các địa phương cho thấy, Chương trình CPRP đã tác động lớn đến mục tiêu giảm nghèo tại các xã chương trình nói riêng và mục tiêu giảm nghèo chung của huyện.
Người dân đã dần thay đổi nhận thức về sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo nông thôn; các xã hoạt động tích cực, tuyên truyền, triển khai rộng rãi Chương trình đến từng hộ dân thông qua hình thức như: Họp thôn, phát tờ rơi...
Tuy nhiên, việc mời gọi được doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh tham gia hợp tác công tư để triển khai thực hiện phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa còn nhiều khó khăn; một số cán bộ và thành viên BQL Chương trình còn lúng túng, chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tiến độ thi công các công trình còn chậm, dẫn đến nguồn vốn giải ngân đạt thấp so với kế hoạch; nguồn vốn cấp cho huyện và xã để triển khai các hợp phần còn chưa kịp thời...