Mấy năm nay, từ sự xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng chúng ta gọi là “vô cảm”, tôi cố gắng tự lý giải xem điều gì đã đẩy tới tình trạng này.
Rồi khi không chỉ đọc - xem qua báo chí mà còn chứng kiến tình trạng vì lợi ích vật chất mà có hàng xóm ứng xử tệ bạc với nhau, tôi lại nghĩ đến hai chữ hai chữ “láng giềng”. Và không biết câu tục ngữ “bán anh em xa, mua láng giềng gần” ra đời bao giờ song tôi nghĩ dường như có nguồn gốc từ tập quán canh tác nông nghiệp lúa nước của người Việt? Trong cuộc mưu sinh của cư dân nông nghiệp lúa nước, có tới “n” công việc phải có sự giúp đỡ của cộng đồng, để rồi một cách tự nhiên, mọi gia đình đều có nhu cầu tổ chức cuộc sống theo tập quán “sớm lửa, tối đèn có nhau”.
Về huyết thống, không ai có thể bác bỏ “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nhưng khi gia đình có việc gì cần kíp, cha mẹ, anh em họ hàng ở xa chưa giúp được ngay, thì láng giềng là nơi đầu tiên có thể nhờ cậy; để rồi “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “tình làng, nghĩa xóm” đã trở thành nguyên tắc chi phối mọi quan hệ trong cuộc sống hằng ngày của các gia đình. Khi xã hội chủ yếu sinh tồn bằng phương thức canh tác nông nghiệp lúa nước thì cũng tức là cả “biển làng xã” đều ứng xử như vậy, và nguyên tắc này được phóng chiếu trở thành nguyên tắc ứng xử của xã hội. Khi quan hệ láng giềng thân thiết thì ranh giới ngăn cách đất đai giữa các gia đình cũng rất mỏng manh, như dậu mồng tơi mà Nguyễn Bính viết trong câu thơ: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi - Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”.
Trước thế kỷ 20, các đô thị ở Việt Nam chủ yếu là trung tâm hành chính, chưa phải là trung tâm kinh tế. Các phố nghề ở Hà Nội chủ yếu sản xuất các loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu của cư dân Hà Nội và vùng xung quanh. Quan hệ của đa số người phố nghề với quê hương bản quán còn rất chặt chẽ, họ mang Thành hoàng làng theo để thờ cúng và cũng tổ chức cuộc sống theo tập quán “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “sớm lửa, tối đèn có nhau”. Tuy sống ở phố nhưng mọi gia đình vẫn duy trì quan hệ láng giềng trong xóm, ngoài làng, quan hệ này còn in đậm đến những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, khi người ở đầu phố quen biết người cuối phố, tối tối cánh đàn ông rủ nhau làm ấm trà, điếu thuốc; thậm chí hoàn cảnh, con cái gia đình nào đó ngoan - hư ra sao nhiều người trong phố cũng khá tỏ tường.
Tuy nhiên, sau khi xâm lược Việt Nam, người Pháp đã bổ sung vào đô thị truyền thống của Việt Nam một sắc thái mới, đó là kiểu đô thị có tính cách trung tâm hành chính - kinh tế. Cùng với bổ sung này là sự xuất hiện rất nhiều ngành nghề mới khác nhau, cư dân đô thị cũng bắt đầu thích ứng với các ngành nghề mới và vì mỗi người mỗi nghề nên họ cần tới các quan hệ riêng khác trước, dần dà sự phụ thuộc lẫn nhau trong cuộc mưu sinh trở nên lỏng lẻo.
Hơn nửa thế kỷ trước, cư dân Hà Nội bắt đầu làm quen với nhà tập thể - một khái niệm có khả năng bao quát rất rộng, từ dãy nhà cấp bốn lụp xụp tới khu nhà lắp ghép ở Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công… Được cái là thời đó tinh thần làng xã còn khá sâu đậm, sống trong tập thể, mọi người vẫn giữ thói quen “bán anh em xa mua láng giềng gần” để vui buồn có nhau, mọi sự thường diễn ra đầm ấm. Các việc đại loại như đưa sang hàng xóm bát canh, vay đỡ “bò” gạo, giật tạm mươi đồng, thăm hỏi lúc ốm đau,... không phải là điều lạ. Và về cơ bản, mọi người đều có ý thức với cộng đồng nhỏ của mình. Đôi khi mếch lòng, không vừa ý, người ta cũng “chín bỏ làm mười”. Nhà nào ăn ở không ra gì là dễ trở thành “tấm gương” để nhà khác dạy bảo con cái…
Năm tháng qua đi. Khái niệm nhà tập thể đã dần dà phai nhạt, nhường chỗ cho khái niệm chung cư. Kể cũng lạ, từ khi chung cư trở nên phổ biến thì dường như quan niệm “cha chung không ai khóc” cũng có cơ phát triển. Một số người thì cơi nới bằng mọi cách, số khác sẵn sàng chấp nhận cãi vã (thậm chí ẩu đả) để lấn vài xăng-ti-mét hành lang. Rồi những chiếc “chuồng cọp” chênh vênh xuất hiện, làm cho ngôi nhà cao tầng nguyên thủy hầu như mất dạng, tạo điều kiện để nhà trên xả rác lên mái nhà dưới. Và vì có người quan niệm ngoài ngưỡng cửa nhà tôi là thuộc về cộng đồng, nên mới sinh chuyện bi hài là đóng phí vệ sinh thì có người kêu ca, nhưng rác vun cả đống trước cửa thì chủ nhà lại không quét. Rồi hành lang, gầm cầu thang trở nên mịt mùng, chất đống đồ tầm tầm vì chủ nhân còn lưu luyến, hay chưa đủ can đảm vứt đi. Rồi vỏ chuối, vỏ kẹo, đầu mẩu thuốc lá, những dòng chữ nhảm nhí trên tường. Rồi âm thanh xập xình, chát chúa váng tai, buộc hàng xóm mỗi khi nói chuyện phải gân cổ, ghé vào tai nhau. Rồi những tiếng chí chát lọc cọc liên tục giáng xuống đầu gia đình tầng dưới có trẻ sơ sinh, bất chấp việc cha mẹ cháu bé phải lên nói khó nhiều lần. Nhà của tôi và sở thích của tôi, cứ thử góp ý đi!
Nay ở đô thị, những dãy nhà cấp bốn không còn nhiều, thay vào đó là nhà ống hoặc biệt thự, mà để khẳng định chủ quyền chính chủ hoặc đã sang nhượng, gia chủ thường xây tường bao quanh cao hơn hai mét, thậm chí giăng dây thép gai. Khi lối sống đô thị được tổ chức theo lối hiện đại, cuối tuần nhiều gia đình đến siêu thị là có thể mua đồ ăn dự trữ cho cả tuần thì chẳng còn mấy gia đình phải nhờ vả lẫn nhau. Thế là các hàng xóm hôm nào còn chạy sang nhờ đón con, bị cảm mạo nhờ láng giềng sang đánh gió,… bỗng trở nên xa lạ. Những cái gật đầu lạnh lùng. Những cánh cổng ra đóng vào mở hoặc là đóng im ỉm suốt ngày như muốn đưa ra thông điệp rằng thời của “láng giềng gần” đã qua. Càng tới gần đây, khi nhiều doanh nhân xuất hiện và thâu tóm đất đai, nhà cửa để kinh doanh khách sạn, nhà hàng, vũ trường, mở quán café giải khát,… thì nhiều cư dân phố cũ dạt ra ngoại thành, mua nhà chung cư.
Các gia đình ở lại đã có các kiểu loại dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu rất nhanh chóng, kịp thời, khi cần cái gì chỉ cần bấm điện thoại là có ngay cái đó thì các gia đình có thể tồn tại độc lập, làm cho vai trò láng giềng cũng suy giảm. Có thể nhận diện tình trạng này tại các chung cư cao tầng, các khu đô thị hiện đại, hình như ở đó với không ít gia đình, quan hệ láng giềng chỉ còn là chào hỏi lúc gặp nhau ngoài hành lang, thang máy, chỗ gửi xe, nếu ai đó không chào hỏi thì người nhà bên cũng không lấy làm điều băn khoăn. Nên trong chừng mực nhất định có thể nói, khi mối liên hệ sinh tồn giữa những láng giềng không còn tất yếu như trước đây thì “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “tình làng, nghĩa xóm” cũng có dấu hiệu phai nhạt?
Ở nông thôn - nơi còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, cũng có một số biến đổi. Ở nhiều nơi việc nhà nông giờ đã có nhiều dịch vụ, từ cày bừa đến gieo mạ, tưới tiêu, làm cỏ, thu hoạch… Thậm chí có gia đình thuê mướn toàn bộ việc đồng áng xong mùa vụ là thu hoạch đầy đủ. Để rồi dậu mồng tơi nên thơ xưa kia nay được thay bằng bức tường sừng sững gắn mảnh chai bia và dọc theo đường làng lát bê tông là cống rãnh đầy ắp, ứ đọng nước thải đen ngòm. Chuyện đứng bên bờ rào đưa bát sang nhà bên để xin ít tương, xin ít nước dưa, sang mượn con dao, xin tý lửa,… đôi khi chỉ còn vang bóng trong những người cao tuổi. Cùng với đó là cảnh tượng các chàng trai trẻ tóc nhuộm xanh đỏ, áo quần thời thượng, ngồi trên xe gắn máy rú ga ầm ầm phóng trên đường làng, phun khói mịt mù vào mấy cụ ông cụ bà đang chống gậy thập thò nơi đầu ngõ. Trong số họ, có người không e ngại mà sẵn sàng vác dao “xơi tái” trai làng khác nếu mon men tìm hiểu “gái làng ta”.
Thế là ở nhiều nơi, cùng với các ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng và đồ dùng hiện đại, thì tập quán trong xóm, ngoài làng bình dị sau lũy tre làng yên ả đang có nguy cơ chỉ còn là hoài niệm. Khi mỗi gia đình làm nông nghiệp có thể tự lo công việc của mình thì dường như “tắt lửa tối đèn” không còn là nhu cầu tất yếu? Cũng phải nhắc tới điều vài chục năm nay, thế hệ trẻ ở làng xã hầu như được học hành đầy đủ, khi trưởng thành, không như cha ông ngày trước, rất nhiều người trong số họ vượt qua lũy tre làng dấn bước vào cuộc mưu sinh. Và chính họ góp phần quan trọng để làm nên diện mạo mới của làng xã Việt Nam ở mọi miền. Và tôi nghĩ, các biến đổi tích cực của làng xã Việt Nam là điều đáng mừng, nhưng từ việc nảy sinh một số hiện tượng như muốn mô phỏng theo hiện tượng tiêu cực ở đô thị thì tôi lại coi đó là điều không thể khuyến khích.
Có thể lý giải tình trạng vô cảm từ các góc độ khác nhau, về phần mình, tôi quan tâm tới giả thuyết coi đó là hệ lụy từ cuộc mưu sinh đã khác trước và sự lên ngôi của thói thực dụng trong quan hệ giữa người với người. Khi mà quan hệ giữa các cá nhân và giữa các gia đình trở nên lỏng lẻo thì tình người khó có thể chi phối cách thức ứng xử. Vì thế, không biết có phải vì lớn tuổi hay không song tôi lo ngại khi “bán anh em xa mua láng giềng gần” như đang trở nên phai nhạt, nhất là ở vùng đô thị?