Theo các chuyên gia bất động sản, tại một số buổi đấu giá, giá thường bị đẩy lên cao do giới đầu cơ thao túng. Nhưng do không tìm được đầu ra cho nên đầu cơ quyết định bỏ cọc.
UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vừa ký hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 35 lô đất.
Theo UBND huyện Quảng Xương, lý do hủy kết quả trúng đấu giá các lô đất nói trên là do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. UBND huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương có mặt bằng quy hoạch nói trên thông báo tới người trúng đấu giá quyền sử dụng đất về việc hủy kết quả trúng đấu giá và thu hồi tiền đặt trước. Các địa phương tổ chức đấu giá lại các lô đất bị hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất quy hoạch đất ở.
Cũng tại tỉnh Thanh Hoá, vào cuối tháng 8, UBND huyện Hoằng Hóa đã ký quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư xã Hoằng Thành đối với 21 cá nhân và 29 cá nhân khác trúng đấu giá tại khu dân cư xã Hoằng Đồng vào khoảng tháng 3/2021. Lý do hủy kết quả trúng đấu giá là do đã quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá.
Tình trạng hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất không chỉ diễn ra ở Thanh Hoá, theo kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang), đến thời điểm tháng 4/2021, toàn huyện có 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá là hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Theo đánh giá của chuyên gia, mục đích của việc đấu giá là tìm ra nhà đầu tư nghiêm túc nhất . Đất được giao hoặc được cho thuê thông qua đấu giá để được sử dụng, khai thác một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, tại một số buổi đấu giá, giá thường bị đẩy lên cao trong các trường hợp việc đấu giá bị giới đầu cơ thao túng. Khi đó, đất được mua chỉ để được bán lại. Nhà đầu cơ liều lĩnh nhất sẵn sàng trả giá cao để mua và thiết lập tình trạng độc quyền hoặc ít nhất là địa vị khống chế của nhà cung ứng để có thể thoải mái hét giá cao ngất đối với hàng hóa của mình.
Hệ quả là đã có nhiều nơi, đất đấu giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm nhưng sau đó lại bị bỏ hoang. Nhiều trường hợp trúng đấu giá khác lại bỏ cọc.