Ngày 24/10, Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước VN và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”. Đây là ý tưởng mới, và ý tưởng đó hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực. Theo nhiều đại biểu tham gia hội thảo, thì đây chính là thời điểm thích hợp nhất để kinh tế VN tăng tốc phát triển: thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ bên ngoài và khẳng định thương hiệu VN với thế giới.
Chế biến thủy sản xuất khẩu.
Ý tưởng trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo của một châu lục, của thế giới, hay nói cách khác phải từ một quốc gia mạnh. Mạnh mới có khả năng hấp thụ các dòng vốn đầu tư, mới có thể xây dựng nhiều nhà máy, công xưởng sản xuất lớn và đặc biệt là phải vận hành tốt, hiệu quả, vì lúc đó nền kinh tế phải giao thương hết sức rộng rãi với bên ngoài. Trong thời buổi công nghệ, trung tâm chế biến, chế tạo phải theo hướng công nghệ cao và phát triển bền vững.
Nói là thời cơ của Việt Nam là bởi sau 30 năm đổi mới, các yếu tố cần và đủ đã hội tụ. Trên thế giới cũng đã có những mô hình thành công, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Xuất phát điểm là những quốc gia nghèo, nhưng họ đã tận dụng tốt các lợi thế sẵn có, trong đó có nguồn nhân lực dồi dào và nhân công giá rẻ. Trong quá trình thu hút vốn, công nghệ từ bên ngoài, họ đã dần chuyển hóa để trở thành của chính mình. Nguồn lực ngoại sinh trở thành sức mạnh nội sinh.
Hiện đang xuất hiện việc các nhà đầu tư lớn chuyển dịch dòng vốn sang các nước khác, sau khi đã thành công tại một số quốc gia. Việt Nam được xem là nơi có thể hấp thụ nguồn vốn đó. Cơ hội dòng vốn từ các tập đoàn, công ty lớn chảy vào Việt Nam là khá rõ rệt. Một nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đang có làn sóng chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Đặc biệt, dòng vốn Nhật Bản đang chuyển mạnh vào Việt Nam.
Có đến 60% doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát tại “Diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam - Nhật Bản 2015” cho biết, sẽ chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước khác ở châu Á sang Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo. Trước tình hình đó, nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thì trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã kịp nắm bắt cơ hội để vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ xây dựng và phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.
Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi liền thách thức.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình phân tích, thời gian qua, công nghiệp chế biến, chế tạo của VN đã thu hút được sự quan tâm từ doanh nghiệp, đặc biệt khối FDI. Tỷ trọng ngành này tăng dần theo từng năm. Năm 2011 chiếm 50%, 2012: 70%, 2014: 72%. Tới nay, 80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng dòng vốn này sinh lợi nhiều hơn ở khối doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp nội còn hạn chế.
Như vậy, việc chuyển hóa nguồn lực ngoại sinh thành sức mạnh nội sinh vẫn đang còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
Nói như bà Victoria Kwa Kwa- Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN thì tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam còn khá thấp, điều này cho thấy sự liên kết chuỗi giá trị toàn cầu với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, cũng như sự yếu kém của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Theo bà Kwa Kwa, VN muốn trở thành trung tâm chế tạo của thế giới thì cần có chiến lược đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng, logistic, chất lượng nhân lực...
Ở khía cạnh mang nhiều tính kĩ thuật, ông Đào Phan Long- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho rằng, dòng vốn ngoại là cần thiết nhưng chúng ta cần bổ sung các chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Khi đã tìm được ngoại lực, thì bản thân nội lực cũng phải được bung ra.
Tại Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016 trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII, ngày 20-10 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt được và chưa được của nền kinh tế đất nước. Riêng về lĩnh vực hội nhập quốc tế, đặc biệt với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng nhìn nhận, việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn. Đương nhiên, TPP cũng mang đến nhiều khó khăn, thách thức.
“Việc thực hiện thành công Hiệp định TPP tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Như vậy, việc hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu cũng như biến VN trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới phụ thuộc rất nhiều vào việc phát huy nội lực. Thời cơ cất cánh đã đến, nhưng để bay cao, bay xa thì tự mình phải khỏe. Ý tưởng trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới và thực tế hội nhập sâu đã và đang diễn ra, vì thế một lần nữa phải trở lại vấn đề phát huy nội lực. Đủ nội lực để thắng trong liên doanh liên kết. Đủ nội lực để cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần trong nước, trong khu vực và thế giới. Khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng phải khẳng định rằng thời cơ lớn đã tới, không thể lại để vuột mất.