Lạm phát đang lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua khi CPI sau 7 tháng chỉ tăng 0,68%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu điều hành 5% của năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng, “bóng ma” lạm phát đã không còn ám ảnh nền kinh tế. Đây là thời điểm thuận lợi cho kinh tế vĩ mô tăng tốc.
Lạm phát không còn ám ảnh
Tại phiên hợp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra vào 31/7, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng 7 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước. Điều đáng mừng theo người phát ngôn của Chính phủ-Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thì CPI dù tăng thấp nhưng sức mua, tổng cầu không hề ảm đạm như thời điểm này năm ngoái. Hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng đã tăng 9,9%. Đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế.
Đồng quan điểm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS Nguyễn Bích Lâm cho biết, CPI tháng 7 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 0,68% so với tháng 12.2014. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. TS Lâm khẳng định, CPI thấp không phải là do sức mua yếu. Đây chính là do thị trường thế giới ổn định, do quản lý điều hành của Chính phủ và do các yếu tố thị trường, các yếu tố về sản xuất.
Bình luận về những diễn biến của nền kinh tế, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh- chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: Cùng với các diễn biến như mức tăng trưởng tín dụng hợp lý của hệ thống tài chính, tín dụng ngân hàng, tỷ giá điều chỉnh nhưng sau đó ổn định và kiểm soát được thị trường ngoại hối… có thể khẳng định, yếu tố dễ gây bất ổn vĩ mô đã được kiểm soát và nếu so với một số năm trước đây, nền kinh tế đang ở thời điểm rất thuận lợi về kinh tế vĩ mô, ông Lịch nhận định.
Vượt chỉ tiêu là khả thi
Lạm phát thấp có lo ngại hệ lụy của nó là giảm phát khi mà sức mua giảm đi nghĩa là nền kinh tế khó mà hồi phục. Về vấn đề này, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra một nhận xét hài hước rằng, “cái khổ” là hình như Việt Nam sống trong khoảng thời gian dài lạm phát cao nên khi lạm phát thấp là khó chịu, bất an, thậm chí có tâm lý lạm phát thấp thế này thì liệu có kéo tăng trưởng xuống không và vì thế, muốn đẩy lạm phát lên để tăng trưởng. Chúng ta cần phải bỏ tư duy đó, từ lãnh đạo đến công chức nhà nước, thậm chí người dân. Chúng ta muốn tăng trưởng cao nhưng cần lạm phát thấp và không phải lo gì khi lạm phát thấp mà ngược lại phải mừng về diễn biến này.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, TS Nguyễn Đức Độ nhận định, nền kinh tế đang ở gần mức lạm phát 0% nhưng đồng thời lại rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%. Để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần phải cao hơn 6,5%. Nếu GDP chỉ đạt được mức tăng 6-6,25%, xác suất nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát là rất lớn. Một nghiên cứu của Viện này cũng đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào giảm phát lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao. Để tránh được nguy cơ này, thì cần tìm mọi giải pháp đẩy tăng trưởng cao hơn mức 6,5%.
Mức tăng trưởng kinh tế năm 2015 có vẻ như không khó cán đích ở ngưỡng 6,5% khi đến nay đã có khá nhiều dự báo cho thấy GDP năm 2015 sẽ đạt được mức tăng ít nhất là 6,48%, CPI năm 2015 tăng trung bình khoảng 1,7%, theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%...