Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Trưởng Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: Qua 5 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Thới Lai đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành các tổ chức Chính trị - Xã hội và người lao động, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển Kinh tế - Xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới…
Đan lát giúp lao động nông thôn TP Cần Thơ có thêm thu nhập.
Qua 10 năm (2010-2019) triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Thới Lai đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về mục đích, ý nghĩa và vai trò của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể giai đoạn 5 năm 2010-2015 thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Thới Lai đã tổ chức khai giảng đuợc 78 lớp, với tổng số 2.453 học viên, trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, với 19 ngành nghề gồm 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2018 huyện Thới Lai đã tổ chức được 43 lớp, với tổng số 1.505 học viên…
Qua 6 tháng đầu năm 2019, Thới Lai đã khai giảng được 19 lớp với 665 học viên, trong đó nghề phi nông nghiệp 11 lớp và nông nghiệp là 8 lớp. Dự kiến đến cuối năm mở 20 lớp với số lượng học viên 700 học viên và tỉ lệ giải quyết việc làm thấp nhất là 81.5%.
Thực hiện việc xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, huyện Thới Lai đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động bền vững vừa đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động lại đáp ứng với trình độ tuyển dụng của doanh nghiệp và ứng dụng thực tế tại địa phương như: Mô hình may công nghiệp; may gia dụng; xây dựng dân dụng; mô hình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao; kỹ thuật sản xuất lúa giống; kỹ thuật sản xuất dưa hấu hạt lép…ngoài ra thời gian qua các địa phương còn thành lập được các tổ nhóm hoạt động có hiệu quả.
Một trong những mô hình tiêu biểu đó là mô hình đan cần xé tại xã Trường Thắng sau một thời gian hoạt động hiệu quả đã phát triển thành lập HTX đan lát Quốc Noãn vừa đào tạo nghề lại giải quyết việc làm cho hàng trăm người, thu nhập tương đối ổn định.
Chia sẻ với chúng tôi ông Nguyễn Ngọc Nà- Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: “Bắt đầu từ mô hình đan lát sau một thời gian hoạt động quy mô ngày càng lớn, số lượng lao động đến xin học nghề ngày càng nhiều, không chỉ giải quyết cho người trong xã mà còn nhiều xã lân cận đến học. Mặc dù lượng hàng đặt ở HTX nhiều nhưng để đảm bảo tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm chúng tôi chủ động đào tạo ra nguồn lao động đủ đáp ứng cho các đơn hàng”.
Chia sẻ về hướng tới ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Thới Lai cho biết: Dự kiến năm 2020 huyện Thới Lai tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện từ đó có huớng đề xuất nhu cầu học nghề phù hợp. Dự kiến năm 2020 huyện Thới Lai sẽ đào tạo nghề cho 1.400 lao động nông thôn, (trong đó khoảng 250 hộ là hộ nghèo, cận nghèo, chính sách), lĩnh vực nông nghiệp 560 lao động; lĩnh vực phi nông nghiệp 840 lao động. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 81.5%.
Đánh giá về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện thời gian qua Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, huyện đã phối hợp với các cơ sở đào tạo bố trí giáo viên tương ứng với từng ngành nghề đào tạo, đảm bảo đúng chuyên môn và chất lượng giảng dạy. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các thành viên Ban chỉ đạo huyện, các xã, thị trấn và người lao động quan tâm, nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, và ổn định cuộc sống của người lao động sau học nghề.
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết thêm: Lãnh đạo các xã, thị trấn cũng đã chỉ đạo tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, định hướng nghề và công tác giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề, giám sát chặt chẽ thời gian, chất lượng dạy và học của đơn vị giảng dạy và học viên…