Từ giữa tháng 1/2020, người tham gia giao thông không khỏi thấp thỏm, phập phồng mỗi khi bị lực lượng CSGT chặn xe, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Những người nhậu say bí tỉ sợ đã đành, nhiều người chẳng uống giọt rượu nào cũng sợ. Không phải họ sợ bị phạt tiền và tước bằng lái vì có hơi rượu, bia mà sợ bị lây lan dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (2019-nCoV) gây ra. Vậy làm sao để vẫn thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn đối với chủ phương tiện, lại không khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng?
Trong khi làm nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ CSGT phải đeo khẩu trang.
Để trấn an người dân, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo rằng không cần thiết phải dừng việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, chỉ cần đảm bảo vệ sinh bằng cách thay ống thổi mới sau mỗi lần kiểm tra. Biện pháp này được cho là chưa triệt để, bởi dù có thay ống thổi mới, ai dám đoan chắc trong máy đo nồng độ cồn không tồn tại virus nCoV do người mang mầm bệnh thổi vào? Hơn nữa, với mỗi trường hợp kiểm tra xong lại thay thế một ống thổi mới thì lượng rác thải y tế mỗi ngày sẽ rất nhiều lại khiến phát sinh vấn đề về môi trường.
Trong khuyến cáo của WHO có “cẩn thận” yêu cầu lực lượng CSGT phải đảm bảo mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đường phải sử dụng một máy đo nồng độ cồn riêng, không dùng lẫn để tránh lây chéo từ người này sang người khác. Đồng thời, mỗi ngày, trước và sau khi làm nhiệm vụ cần phải thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng đối với các máy đo nồng độ cồn. Trong khi làm nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ CSGT phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn để đảm bảo an toàn không lây nhiễm dịch cúm nCoV cho chính mình và người bị kiểm tra...
Yêu cầu đảm bảo vệ sinh y tế của WHO là vậy, song trong điều kiện hiện nay lực lượng CSGT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thể đảm bảo đủ kinh phí để trang bị cho mỗi cán bộ, chiến sĩ một máy đo nồng độ cồn để tránh lây lan dịch cúm nCoV ra cộng đồng khi làm nhiệm vụ. Theo đó, nếu không có biện pháp rốt ráo để ngăn chặn, phòng ngừa thì việc lây lan virus nCoV khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông là khó tránh khỏi.
Trăn trở với vấn đề trên, lực lượng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng đã có phương án cho người bị kiểm tra nồng độ cồn thổi vào bong bóng, sau đó khử trùng rồi truyền vào máy đo nồng độ cồn. Do chưa có tiền lệ ở Việt Nam cũng như trên thế giới, cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cách làm trên là hiệu quả đối với việc kiểm tra nồng độ cồn, nên lực lượng CSGT Sóc Trăng chỉ tổ chức thí điểm ở một số điểm chốt chặn chứ chưa thực hiện đại trà trong toàn tỉnh.
Rất có thể hình thức kiểm tra nồng độ cồn gián tiếp thông qua bong bóng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng chưa đem lại tính chính xác tuyệt đối (đơn vị này mới thí điểm áp dụng từ tối 4/2), song nhìn chung một bộ phận người tham gia giao thông đã ủng hộ phương pháp này, bởi nó mang lại sự yên tâm phòng ngừa dịch bệnh.
Có thể nói, trong những ngày dịch cúm nCoV hoành hành ở hơn hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với gần 30.000 người nhiễm bệnh khiến mọi cuộc sống đều đảo lộn. Nguy cơ dịch bệnh len lỏi vào từng ngóc ngách sâu nhất của cuộc sống, không chỉ gây hoang mang cho cộng đồng xã hội, mà còn ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội... Đó là lý do mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân phải chống dịch cúm nCoV với tư thế không thể chủ quan, nhưng cũng không được bi quan.
Về phương pháp đo nồng độ cồn bằng cách thổi bong bóng, đại tá Phạm Minh Khả -Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Đây là sáng kiến của các cán bộ chiến sĩ đang công tác tại phòng.
Theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực này thì cách làm của Công an Sóc Trăng chưa được quy định và cần xem xét nhiều yếu tố liên quan để đảm bảo chính xác kết quả kiểm tra, song thiết nghĩ trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona diễn biến phức tạp; thì việc thí điểm đo nồng độ cồn bằng cách thổi bong bóng là một cách làm mới nhằm tránh để lây lan bệnh dịch, cơ quan chức năng có thể xem xét, nghiên cứu ứng dụng trong thời điểm hiện nay.