Thời tiết nồm ẩm là môi trường thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh phát triển mạnh và hệ quả là nhiều bệnh lý lây nhiễm dễ dàng phát sinh, bùng phát trong khoảng thời gian này.
Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, rubella phát triển gây bệnh. Đồng thời, các loại nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... khiến nhiều người bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây bộc phát cơn hen suyễn. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khỏe.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi N.P.A. (15 tuổi, ở Thái Bình) được bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán hen phế quản từ lúc 7 tuổi, tuy nhiên trẻ không điều trị dự phòng. Sau đó, trẻ đến khám lại tại Bệnh viện Nhi trung ương và được chẩn đoán xác định mắc hen phế quản chưa kiểm soát. Các bác sĩ chuyên khoa đã kê đơn điều trị dự phòng và có phác đồ theo dõi chuẩn xác nhưng bệnh nhi không tuân thủ điều trị, không khám lại, tự sử dụng các thuốc giãn phế quản, khi lên cơn hen cấp theo đơn cũ.
Trước khi nhập viện, bệnh nhi A. ho nặng kèm theo khó thở nhưng chỉ ở nhà sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen cấp. Tuy nhiên cơn hen cấp vẫn diễn biến nặng, không đáp ứng với các thuốc xịt và khí dung. Sau đó trẻ đã bị tím tái, ngừng tuần hoàn do thiếu ô xy, được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng. Bệnh nhi được chuyển đến Khoa điều trị tích cực Nội khoa, mặc dù đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, thuốc vận mạch, thuốc giãn phế quản, lọc máu, kiểm soát hạ thân nhiệt chủ động, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp thông tin: “Không ít trẻ nhập viện trong vài ngày qua trong tình trạng viêm phổi nặng. Đơn cử trường hợp một trẻ nhập viện với chẩn đoán xác định bệnh phổi thùy nặng, gia đình cho biết khi con có dấu hiệu ho, sốt thì mẹ tự mua thuốc điều trị, chỉ khi thấy bệnh không đỡ và trẻ ngày càng nặng hơn thì mới đưa vào viện thăm khám. Hay một trường hợp khác mắc viêm phổi nặng, gia đình cũng tự mua thuốc điều trị cho trẻ tại nhà trong 4-5 ngày, tới khi bệnh nặng mới đưa đến viện thăm khám”.
TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ngày gần đây số bệnh nhi đến khám tuy không tăng đột biến so với ngày thường, nhưng lại rất đáng chú ý bởi bệnh tập trung vào nhóm bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen.
“Trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do thời tiết nhất. Khi thay đổi thời tiết, trời lạnh quá hay nồm ẩm như hiện nay trẻ em do sức đề kháng kém rất dễ ốm, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết. Bên cạnh đó, trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn, nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm, vì vậy các phụ huynh cần để ý lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát, tránh tình trạng ủ ấm quá trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi” - ông Nam lưu ý.
Không chỉ trẻ nhỏ, người cao tuổi cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng trong tiết trời nồm ẩm. Ông Phan Việt Sinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, số lượng người cao tuổi đến khám và điều trị tại đây tăng khoảng 30% so với thời điểm trước Tết.
Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cũng ghi nhận số người mắc bệnh hô hấp tăng. Ông P.V.T. (huyện Gia Lâm, Hà Nội) hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện cho biết, ông bị viêm phế quản nặng, mạn tính, cứ thời tiết thay đổi là bệnh tái phát. Lần này bệnh nặng hơn nên ông phải nhập viện điều trị.
Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh - Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn, thời tiết lạnh và ẩm kéo dài cũng khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh như cúm mùa và nếu bị cúm, bệnh thường nặng và dễ xảy ra biến chứng viêm phổi, có những diễn biến xấu khó lường. Cùng với đó, các bệnh mãn tính như xương khớp, viêm loét dạ dày, tá tràng, đau nhức xương khớp, huyết áp, tim mạch và hen phế quản... cũng thường gia tăng, hoặc tái phát. Độ ẩm trong không khí quá cao khiến nền nhà trơn ướt cũng rất dễ khiến người cao tuổi trượt, ngã, cảm thấy khó ngủ, ăn uống kém hơn.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh trong thời tiết nồm ẩm, người dân cần duy trì thói quen khử khuẩn, đeo khẩu trang, giữ ấm, tăng cường vệ sinh hầu họng bằng xúc miệng nước muối. Giữ môi trường sống, nhà cửa sạch sẽ, khô ráo bằng việc sử dụng máy hút ẩm, hoặc điều hòa không khí, đóng kín các cửa sổ để hạn chế hơi ẩm vào nhà… Nếu có dấu hiệu của ho sốt thì cần được thăm khám, xử lý thích hợp, không nên trì hoãn nhằm ngăn chặn các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp.
Theo thống kê, trong thời điểm thời tiết nồm ẩm, lượng bệnh nhân mắc hen phế quản nhập viện cấp cứu thường cao hơn trung bình từ 20-30%. Do thời tiết nồm sẽ kích thích xuất hiện các đợt bùng phát và làm tăng mức độ trầm trọng của hen phế quản. Các cơn khó thở xuất hiện thường xuyên hơn, nếu kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn thì mức độ cơn hen sẽ trầm trọng hơn, có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.