Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) vừa khởi tố hai đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ. Cả hai đối tượng bị khởi tố đều mới chỉ 18 tuổi, nhưng thể hiện bản tính hết sức côn đồ. Khi qua chốt kiểm dịch, chúng không dừng xe theo hiệu lệnh mà tăng ga bỏ chạy, không những vậy còn vác điều cày đánh cán bộ truy đuổi.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên tỏ ra ngang tàng, hống hách, cố tình gây sự với lực lượng chức năng tại các chốt kiểm dịch. Những ngày qua, cả trên các trang báo cũng như trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những video clip có nội dung phản cảm, chống đối người thi hành công vụ tại các chốt kiểm dịch ở nhiều địa phương.
Mới đây thôi, một người đàn ông ở khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 3,7 triệu đồng vì vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật. Người đàn ông này không những không chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, mà còn có hành vi chống đối, lăng mạ, thách thức lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch.
Nhiều ý kiến tỏ ra phẫn nộ khi người đàn ông này có hành vi vỗ ngực tự xưng là tiến sĩ, người của VTV để đe dọa các cán bộ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch. Dư luận cho rằng, việc chỉ phạt hành chính hơn 3 triệu đồng đối với trường hợp này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, phòng ngừa đối với chính ông ta và với những người khác.
Hành vi không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành kiểm tra giấy tờ, cố tình chống đối, nhục mạ người thực thi công vụ tại chốt kiểm dịch của người đàn ông trên có dấu hiệu của hàng loạt tội danh hình sự: Gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức...
Có lẽ, việc chế tài đối với các hành vi “thông chốt”, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 còn nhẹ nên nhiều người chưa biết sợ. Đó là lý do vì sao liên tục xảy ra các vụ chống đối, tấn công cán bộ tại nhiều chốt kiểm dịch ở các địa phương trên cả nước.
Tính đến nay, tỷ lệ số đối tượng bị khởi tố, bắt giam về hành vi không chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19, cố tình “thông chốt” khi có hiệu lệnh dừng xe kiểm tra giấy tờ, lớn tiếng la lối ăn vạ, thậm chí tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch... còn quá ít nên chưa khiến những kẻ manh động khác lấy đó làm gương.
Đối với nhiều người thì số tiền bạc triệu cũng đã là cả một vấn đề nan giải. Song, với số đối tượng khá thì có phải nộp phạt vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng thì cũng chẳng thấm tháp gì. Một số đối tượng “chấp nhận chịu phạt” (nếu bị phát hiện) để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có quy định phòng dịch.
Xét về mặt lý thuyết, chế tài nào cũng là để răn đe, phòng ngừa, kể cả phạt tiền hay xử lý hình sự. Song, thực tế cho thấy chế tài xử phạt hành chính đối với một số đối tượng gần như là vô tác dụng, nên cần phải áp dụng biện pháp mạnh hơn như tịch thu xe, hay xử lý hình sự. Chỉ có như vậy mới khiến họ biết sợ mà từ bỏ thói côn đồ.
Trở lại câu chuyện hai “gã trống choai” vừa tròn 18 tuổi đã phải “nhập kho bóc lịch” vì hành vi côn đồ, hung hãn của bản thân. Xét về mặt tình cảm có thể có chút thấu cảm đối với những thanh niên mới chập chững bước vào đời. Nhưng xét về lý trí thì biện pháp áp dụng đối với hai đối tượng này là hoàn toàn hợp lý, để chúng có thời gian suy nghĩ, ăn năn, hối lối, kịp thời tỉnh ngộ làm lại cuộc đời. Và, đây cũng là tấm gương để răn đe kẻ khác.