Bão Covid-19 đang càn quét và khiến cho doanh nghiệp lao đao, tác động mạnh đến thu nhập của nhiều người. Nhiều người lao động chia sẻ, loanh quanh mãi vẫn trong cảnh cơm, áo, gạo, tiền, vay nợ, trả nợ nên họ buộc phải tìm đến các hình thức vay nhanh qua mạng. Nhân cơ hội, tín dụng đen và cho vay trực tuyến được dịp bùng phát.
Bất đắc dĩ đành nhắm mắt đưa chân
“Khó khăn quá nên không thể không vay tiền”, Chị Thuỳ Dương (Hải Dương) tâm sự trong chua chát.
Theo lời kể của chị Dương, hai vợ chồng chị thuê trọ ở Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội). Chị đang mang bầu nên nhận may gia công quần áo tại nhà cho một cửa hàng may đo quần áo. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid nên lượng hàng mà chị nhận về gần như bị “đứt” hẳn từ tháng 4/2020. Trong khi đó chồng chị chạy grab, dịch Covid-19 xảy ra, Hà Nội giãn cách xã hội đồng nghĩa với công việc chạy xe ôm hàng ngày của anh cũng giảm đi.
Thu nhập từ 12 triệu/tháng của hai vợ chồng nay chỉ còn 8 triệu. Trong đó phải đóng tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền điện nước. Có tháng không để dành được đồng nào, trong khi vẫn phải về quê thăm nhà vì còn mẹ già.
“Đường cùng lắm mới phải vay tiền qua mạng. Mà nào vay có nhiều, chỉ 2,4 triệu mà thôi”, chị Dương nói.
Nhiều trường hợp khác cũng như chị Dương than thở rằng, bất đắc dĩ mới phải đi vay nợ. Lúc khó thì một nghìn đồng cũng không có chứ huống hồ là tiền triệu. Không vay được ở ngân hàng thì phải tải các app (ứng dụng) về điện thoại để tìm cách vay. Tính qua được ngày nào qua ngày đó đã.
Anh Hoài Nam (quê ở Hà Nam) lên Hà Nội làm việc cũng tâm sự: “ Vô đường cùng vì dịch nay không làm ăn được thì tải ứng dụng vay online về, vay tạm một ít”.
Thật vậy, với những khoản vay nhỏ lẻ, từ 1 đến vài triệu đồng, dường như chẳng ngân hàng nào màng tới. Trong khi đó với những phận nghèo lao động tự do, đó là số tiền lớn. Họ muốn vay nhanh, vay gấp, chỉ còn đường tìm đến tín dụng đen, và vay tại các địa chỉ quảng cáo trên mạng “cho vay trực tuyến”, giải ngân nhanh, tải các ứng dụng trên điện thoại để vay tiền.
Trên mạng hàng loạt các ứng dụng cho vay trực tuyến nở rộ. Nào là Robocash, Tamo, Scach, MoneyCat, One Click Money, Dr.Dong, Cashwagon, Senmo Web, Atome, Finizi, Avay. Người vay làm theo các hướng dẫn và nếu được thỏa mãn điều kiện vay tiền, thì chỉ trong vài phút, hệ thống tài khoản bên cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng theo số tài khoản đã kê khai. Chưa kể nếu vay được thành công một ứng dụng, thì các ứng dụng khác cũng liên kết mời mọc cho vay. Tuy nhiên điều đáng chú ý, phần lãi suất và cách trả tiền của các ứng dụng này rất “chát”.
Hơn 2 năm vướng với vay tiền qua mạng, chị T.H. kể, chị vay tiền ở ứng dụng robocash và xin gia hạn từ tháng 11/2018 đến nay, chị cũng đã từng xin trả nợ gốc nhưng không được. Trong khi đó, những tháng đầu năm 2020, do thu nhập bị giảm sút nên chị không quay được tiền gia hạn, và có tháng đã bị phạt tận 500.000 đồng.
“Mấy lần như vậy từ việc vay triệu đồng nay lãi mẹ đẻ lãi con thành 6,8 triệu đồng”, chị T.H nói.
Mạo danh cả nhân viên ngân hàng chào vay
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid nên nhiều người mất việc, các môi giới kiểu tín dụng đen len lỏi hang cùng ngõ hẻm mời mọc người nghèo, công nhân, người có trình độ thấp... để cho vay tiền. Đặc biệt là những người gặp khó khăn đột xuất về tài chính đợt dịch Covid 19 này. Lượng tiền cần vay của những đối tượng này không lớn nhưng số lượng người vay lại khá nhiều.
Đầu tiên, các “cò mồi” tự nhận mình có người quen bên ngân hàng, và nhận làm hồ sơ để duyệt vay. Khi tìm được các “con mồi” có nhu cầu vay tiền gấp, các đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển khoản một khoản tiền được gọi là phí làm hồ sơ, phí bảo hiểm rủi ro hoặc phí thanh toán đợt 1… Sau khi nạn nhân chuyển tiền những đối tượng này sẽ chặn facebook, chặn điện thoại và “lặn mất tăm”.
Sau khi yêu cầu nạn nhân gửi các giấy tờ và thông tin cá nhân, chúng sẽ yêu cầu đóng một khoản phí, phổ biến là “phí bảo hiểm rủi ro”, dao động từ 1 – 2 triệu đồng rồi chiếm đoạt khoản phí này.
Để người vay tin tưởng, những kẻ lừa đảo thường để ảnh đại diện tài khoản trên mạng xã hội hoặc gửi hình ảnh cho khách hàng là hình mặc đồng phục, đeo biển tên cán bộ ngân hàng…
Chị Đ.T. kể lại với phóng viên chuyện chị vừa gặp phải: “Có người giới thiệu với tôi là làm ở ngân hàng. Tôi cũng có nhờ người này làm hồ sơ vay bên ngân hàng và được trả lời là hồ sơ đã được duyệt. Người này còn đưa số hợp đồng và bảo tôi chuyển khoản 1,115 triệu tiền phí hợp đồng và bảo hiểm. Sau khi chuyển khoản xong thì tôi ra bưu điện để nhận tiền”.
“Tôi nghi nghi nên đã hỏi bạn bè và tìm hiểu thì biết đó là lừa đảo”, chị Đ.T. nói.
Cũng giống chị Đ.T., anh Long (đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long) chia sẻ: Anh cũng từng gặp người tự giới thiệu làm ở ngân hàng, hỗ trợ giúp anh Long làm hồ sơ. Tuy nhiên anh Long phải trả phí 450 nghìn đồng, rồi họ đưa cho một cái sim điện thoại. Anh Long kích hoạt sim để vay tiền.
Hình thức giả mạo nhân viên ngân hàng mời vay tiền này cũng đang nổi lên trong thời gian gần đây khiến nhiều ngân hàng đã phải lên tiếng.
Phía ngân hàng cho rằng, thời gian gần đây, một số đối tượng giả mạo cán bộ, nhân viên MB đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng nhằm lấy cắp thông tin cá nhân (số thẻ căn cước công dân, CMND, sổ hộ khẩu) với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Sau đó, yêu cầu nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Cuối cùng, đối tượng chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng sau khi đã nhận tiền…
Chặn tín dụng đen… cũng khó
Theo phân tích của giới chuyên gia, các hình thức cho vay trực tuyến hay mạo danh ngân hàng cho vay chính là “tín dụng đen”.
Đại diện Bộ Công an đưa ra nhận định về dạng cho vay thông qua các ứng dụng rằng: Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều ứng dụng cho vay tiền online. Qua xác minh một số vụ tố giác vay nợ qua ứng dụng đã phát hiện những địa chỉ công ty quảng cáo cho vay qua ứng dụng là những địa chỉ ma. Đây là dấu hiệu của tội phạm hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Phương thức chung của hoạt động cho vay thông qua ứng dụng là giao dịch ngầm, sự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ không được chứng thực. Đa số các ứng dụng có một “ông chủ” đứng đằng sau điều hành. Khi người vay chậm trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán, các “ông chủ” cho đòi nợ thông qua “lực lượng đòi nợ thuê”, từ đó phát sinh các hành vi trái luật như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người...
Trong khi đó GS.TS Đặng Ngọc Đức cho rằng những biện pháp hạn chế tín dụng đen thời gian qua dù rất mạnh mẽ nhưng mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý, trong khi tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả giác độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung - cầu về vốn.
“Chừng nào các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tài chính chính thống chưa đủ phát triển và đáp ứng nhu cầu vốn cũng như nhu cầu tài chính, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là người nghèo thì vẫn còn tạo cơ hội cho tín dụng đen phát triển”, ông Đức nói.
Nguyên nhân khiến vấn nạn tín dụng đen bùng phát nhiều nhất ở khu vực vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa là cơ quan quản lý chưa đưa nguồn vốn về cho những người nghèo ở đây, TS Cấn Văn Lực nói.
Ông Lực cho biết thêm, hình thức cho vay qua ứng dụng chính là hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) - là khoản cho vay trực tiếp giữa người cho vay và người đi vay thông qua nền tảng công nghệ số kết nối trực tuyến (platform) mà không qua trung gian tài chính. Hình thức cho vay này cũng đang chứa đựng nhiều rủi ro do sự thiếu hụt về hành lang pháp lý.
Phương thức chung của hoạt động cho vay thông qua ứng dụng là giao dịch ngầm, sự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ không được chứng thực. Đa số các ứng dụng có một “ông chủ” đứng đằng sau điều hành. Khi người vay chậm trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán, các “ông chủ” cho đòi nợ thông qua “lực lượng đòi nợ thuê”, từ đó phát sinh các hành vi trái luật như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người... Theo TS Cấn Văn Lực, nguyên nhân khiến vấn nạn tín dụng đen bùng phát nhiều nhất ở khu vực vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa là cơ quan quản lý chưa đưa nguồn vốn về cho những người nghèo ở đây.