Để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí.
Ngày 12/5, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính đã báo cáo trước Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Đối với lĩnh vực báo chí, ông Mãi cho biết, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.
Về ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ số để thống nhất, đồng bộ với các quy định thể hiện tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, ông Mãi giải trình rằng, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trên cơ sở đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý một số điểm tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để bổ sung một cách phù hợp và cân đối trong tổng thể chung các ngành, nghề,lĩnh vực cần được ưu đãi thuế liên quan đến Luật Công nghiệp công nghệ số.
Về thời gian giải ngân đối với số vốn còn lại của các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, theo ông Mãi, để giải quyết khoảng trống trong chínhsách hiện hành về thời gian giải ngân tổng số vốn đầu tư, bảo đảm điều kiện hưởng các ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật đã chỉnh lý giao Chính phủ quy định cụ thể về thời gian giải ngân tổng số vốn đầu tư trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật một cách phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư mở rộng,một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc dự thảo Luật tiếp tục tạo ra 2 chế độ thuế khác nhau trong cùng một cơ sở kinh doanh giữa cấu phần của dự án ban đầu và cấu phần dự án đầu tư mở rộng là bất cập trong quản lý và thực hiện.
“Ghi nhận các ý kiến này song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trước mắt vẫn cần phải tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh trong trường hợp dự án chính đã hết thời hạn ưu đãi như đang được quy định hiện hành. Vì vậy, đối với các trường hợp dự án ban đầu đã hết thời gian hưởng ưu đãi, đề nghị cho giữ như tinh thần của dự thảo Luật. Đồng thời, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý để bảo đảm mức ưu đãi được giữ như Luật hiện hành. Cụ thể, các thu nhập tăng thêm từ dự án đầu tư mở rộng được miễn thuế, giảm thuế và không được hưởng ưu đãi về thuế suất để tránh cách hiểu khác nhau, bảo đảm sự rõ ràng trong thực hiện”, ông Mãi giải trình.
Đối với quy định miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, theo ông Mãi, để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, bên cạnh nhiều nội dung khác, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp tặng tài trợ được trừ khoản tài trợ cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp nhận tài trợ được miễn thuế đối với khoản thu nhập này, không phân biệt các khoản tài trợ này là nhận được từ các doanh nghiệp độc lập bên ngoài hay là nhận được từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, các khoản chi cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thường rất lớn, phạm vi rộng và hiện còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể, việc định giá theo thị trường trong các lĩnh vực này là khó khả thi. Do đó, quy định này tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để thực hiện chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế khi giữa doanh nghiệp cho và doanh nghiệp nhận tài trợ là các bên có quan hệ liên kết. Các nội dung này chưa được phân tích, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nên cần được xem xét thận trọng và có thể trước mắt chưa nên áp dụng việc miễn thuế này đối với một số ít các trường hợp mà giữa bên cho và bên nhận là các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho mọi khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành đầy đủ các quy định cần thiết và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu của việc chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết, tránh việc bị lợi dụng chính sách; trong quá trình tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá chi tiết về các khoản tài trợ được cho - nhận giữa các bên có quan hệ liên kết, sự thay đổi về nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và số nộp ngân sách của các đơn vị này trước và sau khi chính sách được ban hành để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh trong trường hợp mức độ tác động là đáng kể.