Chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử đang được triển khai; đồng thời, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao sản xuất vaccine Covid-19.
Tại cuộc họp trực tuyến mới nhất với các địa phương quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine, với sự nỗ lực tiếp cận, đàm phán, đến nay đã có trên 80 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam. Chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử đang được triển khai; đồng thời, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao sản xuất vaccine Covid-19.
Cũng trong thời gian qua, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong các công tác liên quan đến vaccine, tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là triển khai chiến dịch quy mô lớn như vậy, phải có những cách thức quản lý để mọi người dân đều được tiêm chủng, cũng như để chúng ta biết được tình hình tiêm chủng trên toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, hiện có một số vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình tiêm chủng cần phải tập trung giải quyết như thông tin tiêm chủng của người dân chưa cập nhật đầy đủ, người đã tiêm chủng nhưng không có thông tin trên Sổ Sức khỏe điện tử, nhập đuổi dữ liệu tiêm chủng, hay việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng bản giấy…
Nhấn mạnh việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, 3 Bộ Y tế - Công an - Thông tin và Truyền thông đã thống nhất cùng triển khai một kế hoạch để quản lý tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc và xác thực thông tin về tiêm chủng một cách chính xác để vừa phục vụ phòng, chống dịch, vừa phục vụ việc đi lại và tham gia các hoạt động khác của người dân.
Trước băn khoăn của một số địa phương về việc quá trình tổ chức tiêm chủng lưu động khiến việc nhập liệu không tránh sai sót, ông Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Dù tiêm ở nhà máy, hay ở nhà văn hoá, tiêm ở điểm cố định hay lưu động vẫn phải có danh sách và xác thực cuối cùng vẫn là trạm y tế xã phường.
Theo đó yêu cầu ngay mỗi điểm tiêm đối chiếu với danh sách người đến tiêm chủng do trạm y tế xã phường cung cấp hoặc do các cơ quan, đơn vị gửi đến để rà soát và xác thực ngay thông tin tiêm chủng của người dân. Đối với các trường hợp F0 đã khỏi bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh cơ sở y tế tuyến xã, phường phải nhập liệu bởi chính đội ngũ này hiểu rõ, quản lý cụ thể trên địa bàn của mình đã có bao nhiêu F0 khỏi bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng tốc tiêm chủng, bởi hiện nay số lượng liều vaccine được tiêm hàng ngày không đồng đều. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quán triệt về công tác tiêm chủng, đề nghị các tỉnh đẩy mạnh, tăng tốc độ tiêm chủng để đạt được kế hoạch đề ra và thực hiện triệt để những quán triệt liên quan đến phối hợp giữa các bộ về nhập liệu, xác thực thông tin tiêm chủng của người dân.
Trước đó, Bộ Y tế cho biết để từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, cần tiêm chủng mỗi ngày đạt ít nhất 2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, trung bình mỗi ngày cả nước triển khai tiêm được khoảng 1,1 - 1,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Từ nay đến hết tháng 10/2021, vaccine Covid-19 tiếp tục được cung ứng, do đó để đảm bảo sử dụng vaccine nhanh chóng, hiệu quả, cần tăng nhanh diện bao phủ để từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả; Tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai ngay tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.