Sáng nay (19-6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định, chủ trương, chính sách
Báo cáo giải trình tiếp thu của UBTVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã được bổ sung, chỉnh lý để làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cho tương xứng vớinhiệm vụ, quyền hạn được giao; trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; trách nhiệm trong việc tổ chức điều hành...
Theo đó, bổ sung quy định: “Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định, chủ trương, chính sách của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao”; “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”.
Bổ sung quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm “về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ, về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao”; có trách nhiệm “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung các nội dung liên quan nguyên tắc “đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu”; “cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên” để làm rõ tính đặc thù trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Với 83,00% ĐBQH đồng ý, Luật Tổ chức Chính phủ(sửa đổi) đã được QH thông qua.
Rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương
Cùng ngày, với 85,22% ĐBQH nhất trí Luật tổ chức chính quyền địa phương đã được thông qua. Theo đó, luật quy định cụ thể số lượng cấp phó của Ủy ban nhân dân các cấp theo phân loại đơn vị hành chính. Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có không quá 05 Phó Chủ tịch, loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp của chính quyền địa phương cũng được quy định cụ thể. Theo đó, bổ sung quy định Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền. Bổ sung, cụ thể hóa quyền giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình và giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới. Bổ sung quy định Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện ngân sách tỉnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mạng lưới giao thông, thuỷ lợi trong phạm vi được phân quyền. Bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc ban hành nghị quyết; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Chính quyền địa phương phải minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan nhà nước cấp trên về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên; đại biểu Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân. Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp, chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên và trước Nhân dân địa phương về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và của Ủy ban nhân dân.