Trong nhịp sống hối hả, dành chút thời gian để thăm xứ Huế thơ mộng thật thú vị. Nắng hanh hao, dòng Hương nước xanh trong lững lờ chảy qua thành phố. Thiếu nữ áo dài thướt tha qua cầu Trường Tiền... Không cần sắp đặt, góc nào ở Huế cũng đẹp đẽ như tấm postcard.
Trên cầu Trường Tiền.
Đặc biệt, trên đất cố đô, những toà nhà lớn đan xen di tích, lăng tẩm khiến người ta có cảm giác hiện tại và quá khứ luôn song hành. Cũng có khi người ta trở về Huế chỉ vì cất công đi tìm “Đường phượng bay mù không lối về” – lời trong một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà cho đến nay con đường phượng bay ấy vẫn gây tranh cãi.
Hay đến thôn Vỹ Dạ qua lời thơ đong đầy nỗi niềm xứ Huế của nhà thơ Hàn Mạc Tử, đi qua trường Quốc học để ngắm một trong những ngôi trường kiến trúc đẹp nhất Việt Nam... Còn những điều như có, như không khiến du khách cứ lấn bấn với Huế , dù thành phố đang ngày một hiện đại hơn.
Không gian lắng đọng và dịu dàng của vùng đất này mỗi thời điểm lại cho du khách những cảm nhận khác biệt. Ráng chiều khiến cây cầu Trường Tiền bắc ngang qua dòng Hương – biểu tượng của xứ Huế dường như mềm mại hơn. Với những tà áo dài thướt tha, vài con thuyền lờ lững trên sông thì không cần chỉnh sửa, khuôn hình ấy đã là những tấm bưu thiếp đưa hình ảnh Huế ra với thế giới, để du khách đến với Huế ngày một nhiều hơn.
Trong hành trình, chúng tôi đã chọn ngôi chùa Huyền Không là điểm dừng chân dù có rất ít thời gian lưu lại Huế. Bởi vậy, anh chàng lái taxi phải đi thật nhanh trước khi trời tối. Theo con đường ven sông Hương ngược về nguồn tìm đến chùa Huyền Không ở thôn Nham Biền, Hương Trà ngoại vi thành phố Huế. Huyền Không là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông, hậu thân của chùa Huyền Không ở Lăng Cô, Phú Lộc xưa. Chùa được xây bằng vật liệu hiện đại là bê tông cốt thép, mà vẫn mang dáng dấp cổ kính, hài hoà giữ bản sắc cố đô.
Ấn tượng ở chùa Huyền Không là không gian vắng vẻ, du khách có cảm giác chỉ mình ta với ta. Xung quanh chùa có khoảng 500 giò phong lan quý được trưng bày hoà với màu xanh hoa lá, quy hoạch tiểu cảnh sân vườn đầy thẩm mỹ. Và du khách rất khó để tìm thấy hòm công đức ở ngôi chùa này. Trên đường trở ra chùa Thiên Mụ thì trời vừa sập tối, vẫn bên dòng Hương, ngôi chùa lẩn khuất trong rặng thông rì rào, gió phóng khoáng, dưới ánh trăng rằm, Thiên Mụ hiện ra thật ảo diệu. Khói trầm và vẻ tĩnh lặng dường như tuyệt đối ở đây khiến người ta cảm nhận được nét thâm trầm rõ ràng nhất của Huế.
Trở lại trung tâm, Huế vào đêm không vội vã, không ồn ào như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Vẻ chậm rãi, yên ả từ lời ăn tiếng nói đến cung cách phục vụ khách du lịch. Thưởng thức một tô bún bò trên phố, thấy vị khác hẳn với tô bún Huế ở các quán hàng Hà Nội từ sợi bún mềm mại, nước dùng đậm đà, các nguyên liệu được chau chuốt.
Và đặc biệt thứ rau thơm ăn kèm được bày biện cẩn thận, vài lát hoa chuối mỏng mịn, nhẹ như mây quyện với thứ nước dùng dậy mùi mắm ruốc, vị cay xè của ớt. Rồi nhâm nhi cà phê trong khu Đại Nội, nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh, chờ màn đêm buông xuống hàng cây cổ thụ hai bên đường, để như thấy Huế của riêng Trịnh Công Sơn vẫn hiện hữu.
Chợ Đông Ba là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến “chớp mắt” với Huế, có lẽ cũng chỉ vì câu hát “ Chợ Đông Ba khi mình qua/ Lá me bay bay là đà...” trong ca khúc “Mưa trên phố Huế” của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khương mà nhiều người tìm đến với ngôi chợ đông đúc này để cảm nhận chất Huế. Và nói như một nhà nghiên cứu văn hoá Huế, chợ Đông Ba là nơi che chở cho sự cố thủ của đặc sản truyền thống vùng văn hóa Huế. Đó là phong cách buôn bán “cổ mà rặt Huế” của chị em tiểu thương và vô khối những hàng hóa cho chúng ta hoài niệm, tận cảm chút Huế xưa còn sót lại.
* Huế vào đêm không vội vã, không ồn ào như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Huế yên ả từ lời ăn tiếng nói đến cung cách phục vụ khách du lịch. Thưởng thức một tô bún bò trên phố, thấy vị khác hẳn với tô bún Huế ở các quán hàng Hà Nội từ sợi bún mềm mại, nước dùng đậm đà, các nguyên liệu được chau chuốt. Và đặc biệt thứ rau thơm ăn kèm được bày biện cẩn thận, vài lát hoa chuối mỏng mịn, nhẹ như mây quyện với thứ nước dùng dậy mùi mắm ruốc, vị cay xè của ớt.