Hàng loạt câu chuyện bịa nhằm mua nước mắt của độc giả hay thông tin sai sự thật đã xuất hiện sau các sự kiện tấn công khủng bố hay thảm họa ở nước Anh thời gian qua, và chúng lan tràn nhanh hơn nhờ vào các mạng xã hội. Mới đây nhất là câu chuyện đăng sau tòa nhà chung cư bị cháy ở London.
Thông tin bịa đặt về vụ hỏa hoạn ở London lừa người xem bằng cách dán logo của hãng Metro. (Nguồn: BBC).
Động cơ của những kẻ bịa chuyện bắt nguồn từ vô số lý do, từ nhận tiền từ click quảng cáo, lượt like, mục đích công kích một số chính trị gia hoặc chỉ nhằm mục đích bỡn cợt người khác.
Vào thời điểm cuối tuần này, nhiều lời đồn thổi bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội Twitter rằng một em bé người Anh được cứu sống khỏi tòa nhà chung cư Grenfell Tower, tức gần 2 tuần sau khi ngọn lửa kinh hoàng nuốt trọn lấy tòa nhà khiến cho ít nhất 80 người thiệt mạng.
Câu chuyện này sau đó được xác minh là một thông tin hoàn toàn bịa đặt, nhưng nó chỉ là một trong số hàng loạt những “tin giả” ăn theo các vụ tấn công khủng bố hay thảm họa xảy ra gần đây.
Được biết, câu chuyện trên được một website chuyên đăng tải các thông tin bịa đặt đăng tải nhằm thu hút lượt click ăn tiền quảng cáo, nhưng nó lại sử dụng tên của một hãng truyền thông có tiếng của Anh - Metro. Website này thậm chí còn làm giả hình ảnh của hãng BBC để gắn lên câu chuyện này để khiến cho độc giả tin rằng đó là một câu chuyện có thật.
Nhưng câu chuyện về “Em bé kỳ diệu”, như nhiều hãng truyền thông chính thống dẫn lại, thực chất chỉ là một trong số vô vàn các câu chuyện bịa đặt ăn theo các thảm họa hay sự kiện tấn công khủng bố.
Hãng tin BBC từng phát hiện ra hàng loạt các bức ảnh nạn nhân giả mạo xuất hiện trên Twitter sau các vụ tấn công khủng bố ở Manchester và London trong năm nay - một số được đăng tải ngay sau khi các vụ tấn công này xảy ra. Thông tin kiểu này thường xuất hiện dưới dạng các đoạn chia sẻ (Tweet), đồng thời kêu gọi cộng đồng tìm kiếm các nạn nhân khác, trong khi các bức ảnh đính kèm thường được cóp nhặt từ các tài khoản mạng xã hội hoặc website khác.
Do các bài đăng thường bị xóa bởi những người đăng đầu tiên hoặc bị các nhà quản lý gỡ xuống, nên người ta khó có thể biết được chính xác có bao nhiêu thông tin giả mạo kiểu này từng xuất hiện, chưa kể các thông tin giả này còn được chia sẻ hàng trăm, hàng nghìn lượt.
“Lý do chính mà người ta làm những điều này trước hết là do vấn đề đạo đức” - bà Whitney Philips, tác giả của một nghiên cứu về vấn nạn tung tin giả trên mạng, nhận định.
“Có nhiều nhà báo khi nhìn thấy thông tin kiểu này sẽ lập tức bác bỏ chúng ngay lập tức, nhưng cũng có không ít người do nhận thấy chúng có sức hút mà đã sử dụng lại để đăng tải. Họ làm vậy là bởi họ muốn được biết phản ứng của người đọc và họ biết là họ sẽ nhận được điều đó” - bà Philips nói thêm.
Như trong vụ tấn công bằng bom tự sát ở thành phố Manchester, hàng loạt các bức ảnh nạn nhân mất tích và thiệt mạng đã bắt đầu tràn ngập trên mạng ngay sau khi sự việc xảy ra, nhưng một trong số các bức ảnh này sau đó được phát hiện ra là giả mạo. Đó là một bức ảnh lấy từ tài khoản mạng xã hội Instagram thuộc về một bé gái 13 tuổi đang sống ở Melbourne, Australia.
“Ảnh của con tôi bỗng nhiên xuất hiện cả ở ngoài Australia, nó ở khắp mọi nơi” - Rachel Devine, mẹ của bé gái nọ, phàn nàn về sự việc.
Bà Devine cho hay bức ảnh nguyên gốc được con gái bà, Gemma đăng tải lên mạng cách đây 1 năm. Sau khi nhận thấy ảnh của mình bỗng nhiên xuất hiện trên mạng và được dán nhãn là nạn nhân của vụ khủng bố ở Anh, phản ứng ban đầu của cô bé này là: “Tại sao họ lại quan tâm tới con, chúng ta không thể quan tâm tới các nạn nhân thực sự được sao?”, cô bé hỏi mẹ mình.
“Tôi không hiểu ai là chủ tài khoản Twitter đã đăng tải bức ảnh này và họ được gì, bởi nó không gây tổn hại gì cho chúng tôi, không ảnh hưởng tới Gemma, mà nó chỉ khiến cộng đồng ít chú ý hơn tới những nạn nhân thật sự” - bà Devine nói.
Trong một số trường hợp, động cơ của những kẻ tung tin giả lại rõ ràng hơn nhiều.
Tamara De Anda là một nhà báo người Mexico, từng xuất hiện trong một mảng tin nhỏ sau khi bị một tài xế taxi chọc ghẹo trên phố. Kể từ đó, cô liên tục nhận phải lời đe dọa giết và hiếp dâm, và gần đây nhất, một bức ảnh của cô bị đăng tải trong hàng loạt tin giả sau các vụ tấn công khủng bố và thảm họa, trong đó cho rằng cô là một nạn nhân.
“Mỗi lần có một vụ tấn công khủng bố là tôi biết chắc vài bức ảnh của tôi sẽ xuất hiện” - cô Anda nói - “Lần gần đây nhất, ảnh tôi xuất hiện trên mạng thậm chí còn trước khi tôi biết về vụ tấn công. Tôi cho rằng kẻ đứng sau việc này là ai đó quản lý rất nhiều tài khoản mạng xã hội”.