Trước việc một số vụ mất tiền trong tài khoản ATM, cơ quan chức năng cho biết không phải do hệ thống ngân hàng bị hack, đồng thời đưa ra lời khuyên người gửi tiền cần thận trọng hơn trong việc bảo mật thông tin của chính mình.
Dễ dãi trong việc cung cấp thông tin, nhiều người tiêu dùng mất tiền oan.
Thời đại công nghệ thông tin phát triển mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, song bên cạnh đó cũng gây không ít những phiền toái, đặc biệt, đối với lĩnh vực ngân hàng- liên quan trực tiếp đến túi tiền của người dân, việc thông tin của khách hàng gửi tiền bị lộ ra ngoài sẽ là miếng mồi ngon cho kẻ trộm có trình độ công nghệ cao. Từ đó, một câu hỏi được đặt ra: Làm gì để bảo mật thông tin khi gửi tiền ngân hàng?
Theo nhận định của giới chuyên gia ngành ngân hàng, vấn đề về rủi ro trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ xảy ra trên thế giới không hiếm, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tại Thái Lan đã xảy ra vụ việc tại 21 cây ATM bị rút hơn 34.000 USD. Mới đây, tại Ngân hàng First Bank của Đài Loan (Trung Quốc), các đối tượng đã sử dụng điện thoại di động smartphone để kích hoạt hệ thống chiếm đoạt khoảng 70 triệu Đài tệ (2,2 triệu USD).
Theo nhận định của Cục C50 , Bộ Công an, tội phạm thẻ ngày càng hoạt động tinh vi; trong đó tội phạm sử dụng công nghệ cao trong hoạt động thanh toán trực tuyến là lập website, gửi đường link Phishing, giả danh ngân hàng chiếm đoạt tài khoản Internet Banking và chuyển tiền diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dùng để chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng với nhiều thủ đoạn tinh vi khó lường.
Tuy nhiên, đối với riêng một số trường hợp mất tiền trong tài khoản ở Việt Nam thời gian gầy đây, lãnh đạo Cục C50 khẳng định, không phải do hệ thống ngân hàng Việt Nam bị hack. “Vì nếu ngân hàng bị hack, có thể hàng triệu chủ thẻ bị mất tiền cùng một lúc chứ không phải chỉ vài người bị mất”- đại diện C50 cho biết và cho rằng các vụ việc xảy ra do chủ tài khoản vô tình tiết lộ thông tin tài khoản, thẻ tín dụng khiến kẻ gian lợi dụng để lấy tiền.
Còn theo một số chuyên gia tài chính ngân hàng thì sở dĩ có sự cố tiền trong thẻ tín dụng bị mất gần đây có thể từ phía các tổ chức ngân hàng, cũng có thể từ chính sự bất cẩn của người tiêu dùng.
Tâm lý thường thấy của người Việt Nam là tin tưởng bạn bè, có khi bạn bè nhờ nhau rút tiền, như vậy là vô tình chủ thẻ đã để lộ thông tin của mình. Và trong trường hợp như vậy, lỗi ở chính người tiêu dùng. Cũng theo giới chuyên gia, vấn đề bảo mật thông tin trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin là yếu tố sống còn bảo vệ tài sản của cá nhân mỗi người.
Bởi vậy, bản thân người tiêu dùng cần phải cẩn trọng hơn, phải quan tâm hơn đến công tác bảo mật. Điều này là rất quan trọng. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay vẫn còn khá thờ ơ, dễ dãi trong việc giữ gìn thông tin cá nhân của chính mình.
Cùng đó, các ngân hàng thương mại phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu để sớm phát hiện các lỗ hổng bảo mật, mã độc... có nguy cơ làm lộ lọt thông tin của khách hàng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, trong trường hợp có sự cố xảy ra, các tổ chức tín dụng phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để sớm thông tin đến khách hàng. Tổ chức, cá nhân nào sai phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, và ngân hàng luôn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật. |