VN-Index đang nỗ lực phục hồi và tạo đáy trung hạn mà không có yếu tố bùng nổ thanh khoản. Chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.305 – 1.310 điểm
Phục hồi tốt trong phiên
Chứng khoán SSI cho hay, VNIndex hình thành nến Hammer trên đồ thị ngày. Với quán tính tăng điểm đang được duy trì, VNIndex có thể hướng về vùng mục tiêu tiếp theo nằm tại khu vực 1.313 điểm. Nếu chinh phục thành công ngưỡng cản này, chỉ số có thể thử thách lại vùng Gap-down (khoảng trống giảm giá) nằm từ mốc 1.314 – 1.328 điểm.
Trong khi đó, nhà đầu tư vẫn lựa chọn đứng ngoài, GTGD qua kênh khớp lệnh trên HOSE hôm nay chỉ đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ phiên ngày 04/01/2021 đến nay. Khối ngoại hôm nay thu hẹp GT mua vào và quay lại động thái bán ròng -96 tỷ đồng trên HOSE.
VN-Index duy trì tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp giúp điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index được cải thiện từ mức -4 điểm (TIÊU CỰC) lên mức -2 điểm (TRUNG TÍNH). P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 14,1x. Sau 2 phiên giảm điểm, VN-Index quay về vùng đáy cũ và phục hồi tốt ngay trong phiên.
VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm
CTCK Asean - Aseansc: Thị trường hôm nay ghi nhận phiên hồi phục thứ 2 liên tiếp nhờ lực cầu bắt đáy tăng mạnh về cuối phiên, trong bối cảnh thanh khoản giảm mạnh và thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên mua đang tạm thời chiếm ưu thế, và đà giảm có dấu hiệu chững lại, do đó Aseansc kỳ vọng đà phục hồi sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch tới.
Dự báo trong phiên giao dịch ngày mai, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.305 – 1.310 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.315 – 1.320 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày
Thanh toản ở mức phù hợp với điều kiện mới
CTCK Đông Á - DAS: Qua giai đoạn tiền rẻ, thanh khoản thị trường thường bị co hẹp, VN-Index đang nỗ lực phục hồi và tạo đáy trung hạn mà không có yếu tố bùng nổ thanh khoản để hỗ trợ điểm số nên thị trường khá giằng co. Tuy nhiên, với mức giá cổ phiếu đã giảm quá đà trong thời gian ngắn, thị trường lại trở nên hấp dẫn. Lực cầu bắt đáy từ tâm lý sợ lỡ mất cơ hội, nhà đầu tư chuyển sang mua mạnh đẩy thị trường lấy lại điểm tăng trong giờ giao dịch cuối phiên hôm 11/5.
Nhóm cổ phiếu mang tính thị trường như bất động sản, dầu khí, ngân hàng là những cổ phiếu có mức phục hồi mạnh từ vùng giá đáy. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên, DAS thấy rằng thanh khoản ở mức hiện tại là phù hợp với điều kiện mới của thị trường, và mức thanh khoản này hoàn toàn có thể duy trì chỉ số tăng ổn định.
Tổ chức, khối ngoại chốt lời
Trong phiên giao dịch vừa qua, khối ngoại bán ròng 95 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 138 tỷ đồng. Mua ròng khớp lệnh chính của khối ngoại là nhóm hóa chất, ngân hàng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã DPM, CTG, DGC, FUEVFVND, NLG, STB, VIC, BCM, DCM, GEX.
Tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh công ty chứng khoán) chuyển hướng bán ròng 216 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 236 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tổ chức nội bán ròng 10/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm bất động sản. Top bán ròng có DIG, STB, SSI, FUEVFVND, VIC, VNM, KDH, VHM, CTG, TCB. Dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu ngành công nghệ thông tin. Danh mục Top10 mua ròng của khối này gồm HPG, FPT, PNJ, VRE, ACB, MBB, E1VFVN30, VPB, VCB, MWG.
Nhà đầu tư cá nhân mua ròng hơn 300 tỷ
NĐT cá nhân trở lại mua ròng 311 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 374 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 12/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại cổ phiếu DIG, STB, VNM, DXG, MSN, SSI, E1VFVN30, NVL, PLX, DGW.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 6/18 ngành còn lại với áp lực bán tập trung tại cổ phiếu ngành hóa chất, công nghệ thông tin. Top bán ròng có DPM, FPT, DGC, HPG, PNJ, CTG, ACB, MBB, NLG.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 327 điểm, tương đương 1,02%, và kết phiên ở 31.834 điểm. S&P 500 đi xuống mạnh hơn khi mất 1,65% và đóng cửa ở 3.935 điểm, đánh dấu lần thứ 2 thủng mốc 4.000 trong tuần này.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite rơi 3,18% còn 11.364 điểm, chìm sâu hơn vào vùng thị trường gấu.
Theo CNBC, S&P 500 hiện nay đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm trở lại đây, giảm 18% so với đỉnh lịch sử trong phiên 3/1/2022 và sụt 17,4% so với cuối năm 2021.