Bộ GTVT vừa chính thức ban hành Thông tư 19/2022 quy định về bảo trì công trình hàng hải, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2022.
Theo Thông tư mới, công trình hàng hải bao gồm: bến cảng; cầu cảng; khu chuyển tải, khu neo đậu, khu tránh, trú bão trong vùng nước cảng biển; luồng hàng hải; công trình sửa chữa tàu biển; đèn biển (bao gồm nhà trạm gắn với đèn biển); phao, tiêu báo hiệu hàng hải; nhà trạm quản lý, vận hành phao, tiêu báo hiệu hàng hải; hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); công trình đê, kè chỉnh trị; hạ tầng mạng viễn thông hàng hải.
Đối với việc bảo trì công trình hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm lập kế hoạch và dự kiến kinh phí bảo trì công trình hàng hải hàng năm và theo kỳ kế hoạch khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, trình Bộ GTVT phê duyệt.
Nội dung kế hoạch bảo trì công trình hàng hải bao gồm các thông tin: tên công trình và hạng mục công trình (công việc); đơn vị, khối lượng, dự kiến kinh phí thực hiện; thời gian thực hiện; phương thức thực hiện; mức độ ưu tiên.
Đối với việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình hàng hải, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, Cục Hàng hải Việt Nam được điều chỉnh chuẩn tắc nạo vét, khối lượng, kinh phí dự kiến thực hiện của công trình.
Hàng năm, căn cứ tình trạng kỹ thuật của công trình, các thông tin về quy mô và kết cấu công trình, lịch sử bảo trì công trình, thực tế tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước, các thông tin và dữ liệu khác, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì, định mức kinh tế kỹ thuật, Cục Hàng hải Việt Nam rà soát, tổng hợp, lập kế hoạch và dự kiến kinh phí nhu cầu bảo trì công trình hàng hải của năm sau trình Bộ GTVT trước ngày 30/5 hàng năm.
Đặc biệt, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, Cục Hàng hải Việt Nam được điều chỉnh chuẩn tắc nạo vét, khối lượng, kinh phí dự kiến thực hiện của công trình nhưng không tăng quá 20% kinh phí dự kiến của công trình, không làm tăng tổng kinh phí dự kiến trong kế hoạch bảo trì công trình hàng hải đã được phê duyệt và đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, khai thác tối đa hiệu quả tuyến luồng, đồng thời báo cáo Bộ GTVT việc điều chỉnh; tổng hợp, trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình hàng hải trước ngày 1/11 hàng năm.
Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam phải báo cáo Bộ GTVT xem xét, chấp thuận điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình hàng hải trong các trường hợp: điều chỉnh tăng quá 20% kinh phí dự kiến của công trình đã được phê duyệt kế hoạch; tăng tổng kinh phí dự kiến thực hiện; thời gian thực hiện; công trình không thực hiện; bổ sung công trình ngoài kế hoạch bảo trì công trình hàng hải đã được phê duyệt.
Đối với công trình hàng hải đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng công trình thực hiện bảo trì công trình theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành hàng hải và pháp luật có liên quan.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí bảo trì cho năm sau và tổng hợp, trình Bộ GTVT trước ngày 15/8 hàng năm để thẩm định, giao nguồn vốn thực hiện.
Cùng đó, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình hàng hải theo quy định
Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam về kết quả thực hiện bảo trì công trình hàng hải và đánh giá an toàn công trình hàng hải định kỳ hàng năm.
Báo cáo phải được gửi trước ngày 17/12 hàng năm. Thời gian chốt số liệu báo cáo sẽ tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo.