Cây thốt nốt gắn liền với đời sống sinh hoạt của người An Giang từ bao đời nay.
Chị Hằng thân,
Đại dịch đã làm chúng ta xa nhau quá, em muốn gửi sang đấy cho chị ít đường thốt nốt mà không được. À mà quên không kể cho chị, thời gian qua, vùng Bảy Núi ở huyện Tịnh Biên người ta thi nhau bán cả cây thốt nốt cho người ngoài tỉnh. Như ở xã An Phú và Văn Giáo, rất nhiều cây thốt nốt đã bị thương lái về bứng hết đi. Một số người cao tuổi trong xã than thở, người ta cứ bán hết cây thế này thì nguyên liệu làm đường sau này lấy đâu ra. Mà có đắt đỏ gì đâu, một cây thốt nốt 20 tuổi đời giá chỉ 300-500 ngàn đồng. Trong khi nếu để khai thác thì năm nào nó cũng cho nguồn nước dồi dào nấu ra thứ đường đặc sản - cả nước chỉ có một…
Nhìn người ta về, bứng đi từng gốc cây, rồi quẳng lên xe tải mà xót xa chị ạ. Nếu cứ đà bán cây thế này thì An Giang sẽ mất đi đặc sản đường thốt nốt thôi. Cây thốt nốt gắn liền với đời sống sinh hoạt của người An Giang từ bao đời nay. Nổi tiếng nhất ở vùng Thất Sơn (hay còn gọi là vùng Bảy Núi) thuộc địa phận huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Nơi đây từ xưa vẫn được xem là xứ sở của thốt nốt An Giang.
Không chỉ lấy nước làm đường, nước thốt nốt tươi giải khát cũng rất tuyệt vời. Dưới chân núi Cấm có một số hàng bán nước thốt nốt mà mỗi lần về đây người ta không thể không ghé vào. Những quả thốt nốt kết thành từng chùm, to tròn cỡ quả dừa xiêm, ruột bên là lớp cơm dầy màu trắng nõn, mềm dẻo khá giống thạch bọn trẻ con vẫn ăn. Trái thốt nốt bổ ra, đổ đầy ly nước, thêm chút cơm thốt nốt nạo, thêm vài cục đá mát lạnh, uống đến đâu biết đến đó.
Mỗi lần về vùng Bảy Núi, em vẫn dành ra cả buổi để theo anh chị đi lấy nước thốt nốt. Nói nghề này vừa dễ cũng lại vừa khó. Bởi dễ là vì có nguồn nguyên liệu sẵn có. Còn khó là phải bám trụ kiếm sống bằng nghề cheo leo trên cây giữa cái nắng chói chang. Mỗi ngày, người hái thốt nốt sẽ trèo cây từ 1 đến 2 lần để hứng nước về làm đường. Đường thốt nốt là đặc sản không chỉ với người dân trong vùng mà còn với nhiều địa phương khác. Bà con nấu đường hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, chiếc chảo gang to đùng đặt trên lò đất, đổ nước thốt nốt vào và bắt đầu nấu. Đường nấu xong đổ vào khuôn bằng ống tre, vài giờ sau đặc quánh, trút ra, cắt khoanh, dùng lá thốt nốt gói bên ngoài như gói bánh tét.
Trong khi nhiều làng nghề truyền thống khác bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định. Những gia đình ở đây mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn đường mang về một nguồn thu ổn định. Vậy mà, giờ nhìn những cây thốt nốt bị bứng đi, em lo cho những người làm nghề truyền thống, lo rồi một mai về vùng Bảy Núi, không còn có thể chiêm ngưỡng những hàng cây thốt nốt cao vút ngả xuống cánh đồng lúa vàng rực một vùng biên viễn…