Thủ đô thể hiện vai trò đầu tàu

Mai Loan - Lê Khánh 15/05/2023 10:15

Hà Nội dự kiến khởi công xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô tại 4 vị trí vào ngày 30/6 tới đây. Thông báo số 08-TB/BCĐ của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô đã cho thấy nỗ lực của TP Hà Nội đối với dự án trọng điểm quốc gia này. Có được kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội; đặc biệt là chính quyền và Nhân dân những vùng dự án đi qua.

Hà Nội dự kiến khởi công xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô tại 4 vị trí vào ngày 30/6 tới đây. Thông báo số 08-TB/BCĐ của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô đã cho thấy nỗ lực của Hà Nội đối với dự án trọng điểm quốc gia này. Có được kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội; đặc biệt là chính quyền và Nhân dân những vùng dự án đi qua.

Kể từ khi được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng tuyến đường liên vùng quan trọng này tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV, chưa đầy một năm nhưng với Hà Nội thì mỗi ngày, mỗi tháng đều rất gấp gáp. Một dự án cũng đồng thời là bước đi cụ thể thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2045 và Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cho rằng, “đây là nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề.”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã bày tỏ quyết tâm làm và phải làm cho bằng được, phải đúng tiến độ, đạt chất lượng. Bởi, theo người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội: “Dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay. Dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn. Đồng thời cũng mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, Vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.”

Kể từ sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 56/2022/QH15, chỉ chừng chưa đầy tháng, vào đầu tháng 7 năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2915-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do đích thân Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đinh Tiến Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023,TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 4479-QĐ/TU ngày 9/2/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố, theo đó Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng Ban.

Từ tháng 6 năm 2022 đến hết tháng 4 năm 2023, Hà Nội đã có hàng trăm cuộc họp, làm việc liên quan đến Dự án đường Vành đai 4 để nghe, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các lãnh đạo của Hà Nội từ Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, các lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã có những chuyến “vi hành” để mục sở thị tại 7 quận, huyện nơi dự án đi qua. Đã gặp dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân và đã đi giám sát công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại những nơi dự án đi qua.

Chiều dài toàn tuyến Vành đai 4- Vùng Thủ đô là 112,8 km trong đó, riêng TP Hà Nội là 58,2 km nghĩa là chiếm hơn nửa tổng số chiều dài toàn tuyến. Một khối lượng lớn công việc đi qua 7 quận, huyện; tổng số đất mà Hà Nội dự kiến thu hồi để làm đường vành đai 4 là 812 ha (trong đó 796 ha thuộc chỉ giới đường đỏ, 15 ha hoàn trả kênh mương nội đồng, đường điện cao thế… gần 40 ha xây dựng các khu tái định cư) và số tiền mà TP Hà Nội dự kiến chi phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tái định cư là hơn 13 ngàn tỷ đồng. Nhân lực, vật lực dành cho dự án trọng điểm là khó có thể đo đếm vì nhiều cán bộ làm ngày, làm đêm vào từng nhà dân vận động xuyên cả ngày lễ. Và cũng vì, sự đầu tư lớn tầm ảnh hưởng rộng nên rất cần sự vào cuộc giám sát, đồng hành của các tổ chức chính trị- xã hội của thành phố.

Đối với TP Hà Nội, hiện quá trình thực hiện dự án đang ở giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng- một giai đoạn chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ cấp chính quyền nào; bởi nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của dân. Xác định “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” nên TP Hà Nội đã tập trung nhiều công sức để tạo ra đột phá trong khâu này; cũng đồng thời là khâu mở đầu cho toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng dự án trọng điểm quốc gia.

Ngay từ những ngày đầu khi dự án mới được phê duyệt, được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức giao ban dư luận xã hội hàng tháng để nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, trong đó có nội dung về dự án đường Vành đai 4 nhằm kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và định hướng dư luận xã hội. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cũng đã xây dựng dự thảo kế hoạch giám sát năm 2023, trong đó có nội dung giám sát kết quả, tiến độ thực hiện dự án. “Năm 2023, Mặt trận đặc biệt quan tâm đến việc giám sát kết quả, tiến độ thực hiện các cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện Dự án đường Vành đai 4 để không phát sinh điểm nóng. Mặt trận các cấp sẽ tổ chức các đoàn khảo sát, nắm bắt tình hình, công tác triển khai dự án tại các quận, huyện nơi dự án đi qua”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường thông tin tại hội nghị ký kết giao ước thi đua giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam của 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua.

Còn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh Hoàng Văn Tân thì bày tỏ: “Từ khi dự án đường Vành đai 4 được triển khai, Ủy ban MTTQ Việt Nam 5 xã của huyện có diện tích đất thu hồi luôn tham dự các buổi họp dân, kịp thời nắm bắt dư luận, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cùng với đó kết hợp đối thoại, tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của dự án”. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Oai thì cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã hướng dẫn ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng các địa phương có dự án đi qua tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về giải phóng mặt bằng, tái định cư... Đồng thời, bà Thủy khẳng định, sẽ tích cực phối hợp với UBND huyện thực hiện giám sát, tiếp dân, giải quyết kịp thời các đề xuất kiến nghị của dân. "Với huyện Sóc Sơn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ tiếp tục bám dân, công khai, minh bạch các thông tin về dự án. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo trong tuyên truyền. Trước mắt, lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị đại biểu nhân dân để bảo đảm hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng", Chủ tịch MTTQ Vương Nguyên Minh cho hay.

Nhiều cách làm sáng tạo, bám dân, bám cơ sở, địa bàn để thực hiện cho được nhiệm vụ chính trị nặng nề mà TP Hà Nội giao cho 7 quận, huyện nơi Vành đai 4 đi qua. Chính nhờ những cách làm này mà vừa qua, nhiều hộ dân dù chưa nhận tiền đã bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho địa phương di chuyển mộ, lấy mặt bằng sạch để phục vụ cho con đường rộng mở của tương lai như ở Mê Linh, Sóc Sơn. Điều ấy cho thấy sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân. “Nhân dân đồng thuận là chúng ta sẽ tiến hành được”, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Infographic: Quang Vinh
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ đô thể hiện vai trò đầu tàu