Với việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, từ ngày 22/1, hệ thống công quyền của TP Thủ Đức đã chính thức đi vào hoạt động.
Thành phố Thủ Đức là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước. Dù mở ra viễn cảnh rất tích cực trong tương lai nhưng hiện nay những thách thức đang đặt ra đối với một “đô thị trẻ” cần phải giải quyết.
Các kỳ vọng đối với một đô thị mới đã được nói đến suốt nhiều tháng qua. Điển hình là dự báo nơi đây sẽ đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng trong bức tranh tổng thể của kinh tế - xã hội TP HCM. Là trung tâm giáo dục - đào tạo và triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và thương mại khép kín. Các triển vọng để xây dựng TP Thủ Đức đủ khả năng là “trụ cột” liên kết vùng về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, gắn chặt chẽ với quá trình ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hoá của TP HCM xuất khẩu ra toàn cầu.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi chính quyền TP HCM kỳ vọng đô thị mới lập và cũng chưa có tiền lệ kể trên sẽ trở thành “hạt nhân” tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thậm chí, những số liệu cụ thể đã được dự báo, như tiềm năng về việc sau khi thành lập, TP Thủ Đức có thể đóng góp khoảng 30% GRDP của TP HCM và đóng góp tương đương 7% GDP cả nước.
Thế nhưng, bên cạnh các cơ hội và kỳ vọng như vậy thì chính quyền đô thị mới cũng được dự báo đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì thế nên ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức (ngày 22/1), lãnh đạo TP HCM đã chỉ đạo bộ máy chính quyền mới cần đảm bảo giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, trong đó một số lĩnh vực vẫn sử dụng con dấu cũ song hành cùng con dấu mới trong thời gian đầu.
Dư luận cũng đặt vấn đề trong quá trình này, đối diện với khối lượng công việc và hồ sơ tồn từ ba quận trước tách lập thì bộ máy lãnh đạo TP Thủ Đức có đủ khả năng về con người và thời gian để thích ứng với sự thay đổi về tổ chức bộ máy nhà nước ở từng cấp hay không? Đó là chưa kể, từ cấp thành phố đến các cơ sở vẫn phải thực hiện song hành các công tác tiếp nhận, giải quyết xuyên suốt công việc và chắc chắn không có thời gian kết thúc, để tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp bị gián đoạn công việc.
Nói về sức nặng của hệ thống, khối lượng các công việc, hồ sơ chỉ riêng của Quận 9 hiện nay, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên từng nhấn mạnh là khối lượng rất lớn và yêu cầu chính quyền quận này “phải vừa chạy vừa xếp hàng”. Bên cạnh đó, để đảm bảo phục vụ người dân, các cán bộ, công chức, viên chức sẽ phải tập trung cao độ, phối hợp nhuần nhuyễn để giải quyết công việc chơn chu nhiệm vụ, hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là mô hình chưa có tiền lệ ở nước ta. Chính vì vậy, bản thân hệ thống pháp luật cũng cần bổ sung chi tiết hơn về tổ chức, hoạt động và thẩm quyền của mô hình này. Đó là chưa kể, Trung ương cũng phải cân nhắc việc trao cơ chế phân cấp phù hợp để TP Thủ Đức phát triển tương xứng với kỳ vọng, tiềm năng, lợi thế.
Vừa qua, khi lấy ý kiến người dân liên quan đến thành lập đô thị mới, đã có hơn 90% ý kiến đồng thuận, từ đó có thể thấy quá trình thành lập TP Thủ Đức là cơ bản thuận lợi. Nếu so sánh với một số đô thị loại I trong khu vực như TP Biên Hòa (thuộc tỉnh Đồng Nai); TP Mỹ Tho (thuộc tỉnh Tiền Giang), TP Vũng Tàu (thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)… thì có thể thấy TP Thủ Đức có nhiều lợi thế, cơ hội hơn hẳn, nhất là việc được trực thuộc thành phố trung ương như TP HCM.
Nơi đây vốn dĩ đã được Trung ương trao cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 54 (của Quốc hội) và một Nghị quyết riêng về phát triển TP HCM. Đương nhiên, khi được xác lập mô hình, TP Thủ Đức sẽ được thừa hưởng toàn bộ các cơ chế của TP HCM hiện nay, nhất là việc triển khai đồng bộ công tác quản lý trong thời gian đầu sau khi thành lập sẽ không hẳn là vấn đề quá khó.
Điều quan trọng trong năm 2021 là năm đầu bộ máy chính quyền TP Thủ Đức vận hành, chèo lái “con tàu mới”. Muốn đô thị này bức phá, trở thành “con hổ” hay “con rồng” về kinh tế của TP HCM và đóng góp cho cả nước thì chính quyền TP HCM cần nhận diện đầy đủ những thách thức trước mắt cho đến giai đoạn trung hạn.
Một trong số đó là việc phải tận dụng được các quy định hiện hành của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015); Nghị quyết 1111 của Quốc hội, cũng như các Nghị quyết 54 và Nghị quyết về cơ chế phát triển TP HCM được Trung ương cho phép triển khai trước đó.
Như vậy, bên cạnh các quy định “khung cứng” hiện hành, TP Thủ Đức đã được mở ra nhiều hướng về cơ chế đặc thù để phát triển. Bộ máy chính quyền của đô thị mới cần biết tận dụng, vận dụng, đề xuất phù hợp để nhanh chóng tạo động lực phát triển nhanh, bền vững, giúp đảm bảo cho vai trò đầu tàu của nền kinh tế TP HCM đứng đầu khu vực phía Nam và cả nước.