Với khoảng 35% lượng rác thải sinh hoạt tại nông thôn của Hưng Yên chưa được thu gom, xử lý triệt để gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Khắc phục tình trạng này, tỉnh đã nhân rộng mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, đóng cửa những bãi rác tạm gây ô nhiễm và tiến tới không còn bãi rác chôn lấp mà chỉ có các điểm tập kết, thu gom, vận chuyển để xử lý tập trung.
KDC tự quản bảo vệ môi trường đang được nhân rộng tại nhiều địa phương.
Để bảo vệ môi trường sống tại địa phương, tỉnh Hưng Yên đã xây mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Mô hình này đem lại lợi ích kép nhờ giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực, người dân đã có ý thức tốt hơn trong bảo vệ môi trường, tích cực làm vệ sinh nơi công cộng
Khi thực hiện mô hình này, các thành viên Ban CTMT đã vào cuộc tích cực, người thì tuyên truyền vận động, người thì lập kế hoạch dự toán nguyên vật liệu, người phụ trách phần việc đăng ký các hộ xây bể và nhận thùng. Kết quả, 130 hộ xây bể xử lý rác thải đạt chuẩn, 170 hộ đăng ký nhận thùng phân loại rác…
“Toàn KDC không còn rác thải bừa bãi. Môi trường thật sự xanh – sạch – đẹp, không còn cảnh những đống rác gây ô nhiễm nặng nề, nhận thức của người dân về phân loại rác thải đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thông qua mô hình, địa phương đã xây dựng và củng cố ý thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường. Mỗi người cũng dần nhận ra rằng “Mình vì mọi người và mọi người sẽ vì mình” để tạo ra những lợi ích tốt đẹp của cộng đồng dân cư”, ông Nguyễn Đình Bốn, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Tạ Hạ chia sẻ.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Trọng Huấn, trưởng ban CTMT khu phố Phương Độ, phường Hồng Châu, TP. Hưng Yên cũng đã chia sẻ thành quả khi địa phương xây dựng mô hình KDC bảo vệ môi trường. Ông Huấn cho biết, trên địa bàn phường có 7 tuyến đường và 7 ngõ chính. Thực hiện nội dung “Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp”, bà con nhân dân trong khu phố đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ở gia đình cũng như nơi công cộng. Trên các tuyến đường có vỉa hè đều được nhân dân ở khu phố trồng cây ăn quả và cây bóng mát đúng quy định; 100% số hộ dân có công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại và thực hiện nghiêm túc quy định không thả rông gia súc, vật nuôi ra đường.
Để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở KDC, hiện nay trên toàn tỉnh 815 thôn có tổ tự quản vệ sinh môi trường, 144/161 phường, thị trấn, 52.380 hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; trên 50% số thôn có điểm tập kết rác thải, nhiều hộ đã xây dựng thùng, bể chứa thu gom vỏ bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật tại đồng ruộng góp phần giữ gìn vệ sinh trên địa bàn dân cư.
Theo ông Nguyễn Minh Hanh, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hưng Yên, khi thực hiện các mô hình điểm về KDC bảo vệ môi trường, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường. Nội dung bảo vệ môi trường được đưa vào tiêu chí bình xét các danh hiệu “KDC văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”.
Tại nhiều KDC, nhân dân đồng thuận xây dựng các tiêu chí cụ thể về xây dựng môi trường và đưa vào quy ước, hương ước của thôn. Các mô hình KDC tự quản bảo vệ môi trường; mô hình phân loại, xử lý rác thải tại các hộ gia đình cùng với các phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp” được duy trì thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, nhân dân trong các KDC đã cùng nhau chia sẻ, thực hiện tốt phương châm “đồng xanh, nhà sạch, làng xóm thanh bình, nếp sống văn minh, cộng đồng đoàn kết, thân thiện”.