Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2024, toàn ngành đã thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 6.812 đơn vị, kiểm tra tại 7.201 đơn vị, thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 3.312 đơn vị. Sau thanh tra, kiểm tra về đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các đơn vị đã nộp tiền khắc phục hơn 1.870 tỷ đồng (bằng 52,5 % tổng số tiền phải nộp do vi phạm).
Thu hồi gần 2.000 tỷ đồng
Thông tin về công tác thi hành pháp luật năm 2024, Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho biết, ngay từ đầu năm, BHXH Việt Nam đã ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trên cơ sở đó, 63/63 BHXH tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và báo cáo định kỳ về tình hình theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương.
Năm 2024, BHXH Việt Nam đã thực hiện kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại 7 BHXH tỉnh gồm: Cao Bằng, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Vĩnh Long. Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản, việc triển khai thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của BHXH các tỉnh, thành phố năm 2024 đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Về tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của các tổ chức, cá nhân, năm 2024, toàn ngành đã thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 6.812 đơn vị, kiểm tra tại 7.201 đơn vị, thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 3.312 đơn vị. Sau thanh tra, kiểm tra về đóng BHXH, BHYT, BHTN, các đơn vị đã nộp tiền khắc phục là hơn 1.870 tỷ đồng (bằng 52,5% tổng số tiền phải nộp do vi phạm).
Cùng với đó, cơ quan BHXH đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 1.968 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Sau kiểm tra công tác giải quyết, chi trả các chế độ, đã yêu cầu thu hồi số tiền hơn 11,3 tỷ đồng do hưởng chế độ BHXH không đúng quy định. Cơ quan này cũng kiến nghị thu hồi về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp số tiền gần 880 triệu đồng do hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định; yêu cầu thu hồi về Quỹ Bảo hiểm y tế hơn 169 tỷ đồng do chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định.
Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, công tác thi hành pháp luật vẫn gặp phải một số khó khăn, như nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị sử dụng lao động còn hạn chế, hoặc một số người dân cố tình khiếu nại, tố cáo dù đã có bản án phúc thẩm. Bên cạnh đó, việc truy thu BHXH, BHYT, BHTN đối với lao động chưa tham gia, hoặc đóng thiếu gặp khó khăn khi người lao động đã nghỉ việc. Ngoài ra, một số quy định pháp lý vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn thi hành.
Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm
Báo cáo tổng hợp của BHXH Việt Nam từ phản ánh của BHXH các địa phương cho thấy, vẫn tồn tại tình trạng chậm đóng thời gian dài, số tiền lớn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động. Một số nguyên nhân đã được chỉ rõ, mà trước hết là ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động về trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn thấp.
Ngoài ra, một số vướng mắc của hành lang pháp lý để ngăn ngừa các vi phạm này cũng cần được xem xét thấu đáo. Hiện chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN bị đánh giá là chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe (mức phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, BHTN cao nhất đối với các tổ chức là 150 triệu đồng trong khi số tiền chậm đóng có thể lớn hơn nhiều); trong khi thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt còn nhiều vướng mắc, hiệu quả còn thấp. Kể cả với một số vi phạm được xem xét xử lý hình sự, thì việc triển khai trong thực tế cũng gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, tại Điều 216 Bộ luật Hình sự, để xử lý hình sự đơn vị sử dụng lao động thì hành vi vi phạm phải là hành vi “trốn đóng”; và một trong các điều kiện là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này. Tuy nhiên, để xác định đơn vị “trốn đóng” thì phải chứng minh đơn vị có “gian dối” hoặc “bằng thủ đoạn khác” để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (theo hướng dẫn tại khoản 10 Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/20219 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Trong khi, hiện nay cơ quan BHXH không có thẩm quyền, công cụ, khả năng để chứng minh nội dung nêu trên, vì vậy rất khó khăn trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi “trốn đóng”…
Đề xuất giải pháp ngăn ngừa các vi phạm trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cho biết, một trong các giải pháp cần tiếp tục triển khai là tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đặc biệt là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và các biện pháp xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN... Đây không thể là trách nhiệm của riêng ngành BHXH Việt Nam, mà cần sự vào cuộc, lan tỏa của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội. Ngoài ra, cần kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm. Hiện nay, tại Điều 39 Luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) đã quy định rõ hơn về hành vị trốn đóng BHXH, BHTN và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều này.