Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Nhiều vấn đề lớn quy định trong luật như mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước, kê khai tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng vẫn nhận được nhiều ý kiến. Nhiều đại biểu đã băn khoăn nhắc đến điệp khúc “làm sao để luật khả thi” khi đề nghị thu hồi tài sản bất minh.
ĐBQH Nguyễn Văn Khánh (đoàn Bình Dương). Ảnh: Quang Vinh.
Có nên mở rộng sang khu vực tư?
Đây là vấn đề mới lần đầu tiên được đề cập trong Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi nên đã có nhiều ý kiến trái chiều. ĐB Nguyễn Văn Khánh (đoàn Bình Dương) cho rằng, cần mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước, bởi thực tế có việc người có chức vụ quyền hạn móc nối với khu vực ngoài nhà nước để thực hiện các hành vi bất chính nhằm vụ lợi; sự móc nối giữa công và tư ngày càng phổ biến, hành vi tham nhũng tư xuất hiện ở trong các tiệc chiêu đãi, biếu quà cho nên mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết nhưng chỉ mở từng bước, có lộ trình để không gây khó khăn cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Còn ĐB Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) nhìn nhận việc mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước nhiều nước đã làm, thời gian qua thực tế nước ta đã xử lý nhiều người đồng phạm trong tham ô hối lộ không phải là công chức mà có sự cấu kết với người trong nhà nước để tham nhũng. Do đó việc mở rộng phạm vi đối với khu vực ngoài nhà nước là phù hợp. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy và ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm trên.
Tuy nhiên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) không đồng tình với việc mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước và cho rằng, tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt, không phải ai cũng có thể tham nhũng được. “Chúng ta muốn thu hẹp lại phạm vi kê khai tài sản nhưng giờ lại mở rộng kiểm soát tham nhũng sang khu vực tư là mâu thuẫn, không khả thi. Việc vi phạm hay tội phạm có nhiều luật khác nhau để xử lý từ hành chính cho đến hình sự chứ không phải giải quyết bằng mỗi Luật PCTN. Cắt đường kết nối giữa nhà nước và ngoài nhà nước, tức là “nguồn dinh dưỡng” cần nhiều luật khác nhau chứ không phải “con dao” là Luật PCTN. Bởi phạm vi điều chỉnh còn liên quan đến vấn đề kê khai tài sản. Cho nên kê khai tài sản đối với người bắt đầu vào công chức đó mới là quan trọng”- ông Nhưỡng phân tích.
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, có nhiều tổ chức ngoài khu vực nhà nước, họ làm từ thiện rất tốt. Chưa kể sắp tới sẽ thông qua Luật về Hội. Nếu đưa vào phạm vi điều chỉnh thì nhiều tổ chức xã hội làm từ thiện, thầy tu, linh mục đều bắt phải kê khai tài sản thì không nên. Trong khi đó cán bộ công chức nhũng nhiễu móc ngoặc bên ngoài để tham nhũng đã bị xử lý bằng các luật khác.
ĐBQH Lê Thị Thủy phát biểu tại Hội trường, ngày 21/11. Ảnh: Quang Vinh.
Tập trung kê khai diện dễ tham nhũng
Vẫn theo ông Hòa, kê khai tài sản không nên mở rộng như phạm vi hiện nay, nên chỉ tập trung vào những người có chức, có quyền trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước và những người làm việc ở những nơi “nhạy cảm” dễ tham nhũng. Ví dụ như lĩnh vực hải quan, thuế, cảnh sát khu vực, cảnh sát giao thông làm việc ở quốc lộ, tỉnh lộ. Đối với lĩnh vực này một người không giữ chức vụ gì, chỉ là nhân viên bình thường vẫn có thể phát sinh tham nhũng. Còn những lĩnh vực như ủy viên, thành viên của UBDN xã, văn hóa, thông tin thì không có cơ hội tham nhũng. Đưa nhiều đối tượng phải kê khai nhiều sẽ quản lý không xuể. “Đồng thời nên đưa vào quy định trách nhiệm của những người làm kiểm toán, thanh tra sau khi vào làm việc ở những cơ quan đơn vị mà không phát hiện có tham nhũng sau, đoàn thanh tra, kiểm toán sau hoặc báo chí phát hiện đơn vị đó có tham nhũng phải xử lý trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã thanh tra, kiểm toán trước”- ông Hòa bày tỏ.
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) nói: “Kê khai tài sản là vấn đề quan trọng và các nước đã áp dụng. Tuy nhiên đối tượng kê khai chỉ nên từ cấp trưởng, phó phòng trở lên để tổ chức xác minh bản kê khai cho tốt, tránh tình trạng quá tải”. ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, cần xử lý người kê khai không trung thực, bởi thời gian qua việc xử lý tài sản tham nhũng không đạt yêu cầu do chính khâu này. Do đó cần chế tài xử lý đối với người kê khai không trung thực. Vì vậy nên thu hẹp phạm vi kê khai tài sản để dễ kiểm soát chứ không nên mở rộng, đồng thời phải công bố bản kê khai tài sản tại các hội nghị tiếp xúc cử tri.
Truy đến cùng nguồn gốc tài sản
Cho rằng, Luật cần bổ sung hành vi sở hữu tài sản có nguồn gốc không hợp pháp, tài sản bất minh, phải coi đó là tài sản tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nói: Có như vậy mới đi đến chuyện giải quyết hai vấn đề quan trọng, đó là trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản. Việc chuyển dịch quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, đặc biệt lớn lại không vấp phải hành động kiểm soát nào từ phía các cơ quan nhà nước làm cho việc này trở thành nơi trú ẩn, sự lựa chọn tốt nhất để cất giấu tài sản tham nhũng mà có. Và đây chính là trở ngại cho công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiều năm qua.
Theo ông Sơn, nếu người kê khai không chứng minh được đó là tài sản hợp pháp thì Nhà nước có quyền tịch thu. Việc chứng minh tài sản do tài sản do phạm tội mà có là do cơ quan tiến hành tố tụng trong lĩnh vực hình sự, còn việc trong phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản hợp pháp phải là của chủ sở hữu tài sản, còn không chứng minh được thì Nhà nước nhân danh xã hội sẽ tiến hành thu hồi.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Quang Vinh.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) lại nghiêng về hướng, mọi công dân có quyền sở hữu tài sản hợp pháp và tài sản mọi công dân đều phải minh bạch chứ không phải chỉ quan chức. Hiến pháp bảo vệ tài sản của công dân nhưng không bảo vệ tài sản bất minh.
Dẫn chứng trong 10 năm số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất, tức trên dưới 10%, ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Một số trường hợp kê khai không đúng vừa qua chỉ có thể áp dụng kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc. Từ đó bà Thủy đề nghị, cần có cơ chế thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc.
Ngăn chặn cả họ làm quan Để ngăn ngừa tham nhũng, ĐB Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) đề nghị, người thân thích của người đứng đầu không được làm ở các vị trí quan trọng dễ nảy sinh tham nhũng như kế toán, nhân sự, thủ kho. Không bổ nhiệm người thân thích của người đứng đầu làm cấp phó, tránh tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan, hay trong cùng cơ quan chồng làm cục trưởng, vợ làm cục phó gây xôn xao dư luận. Công khai tài sản cán bộ công chức Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước là do đòi hỏi của chính doanh nghiệp ngoài nhà nước để nhằm tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ. Ngoài ra, quy định như trên cũng phù hợp với Công ước quốc tế về PCTN mà nước ta là thành viên. Cho nên trước mắt chọn một số khu vực ngoài nhà nước để áp dụng như các công ty đại chúng, tổ chức đầu tư, quỹ tín dụng. Theo ông Khái, công khai minh bạch tài sản của người có chức vụ quyền hạn tiến tới sẽ mở rộng kê khai và công khai tài sản. Nguyên nhân thời gian qua ít xác minh tài sản không phải do diện kê khai rộng mà là do chưa có cơ sở dữ liệu xác minh kê khai tài sản thu nhập. Cho nên tiếp thu ý kiến ĐBQH ngành sẽ chỉnh sửa cho phù hợp. Về xử lý tài sản bất minh, tiếp thu ý kiến của ĐBQH là xác đáng cho nên sẽ tiếp thu hoàn chỉnh và trình tại kỳ họp tới. |