Thu hồi tài sản tham nhũng để chống tham nhũng

Lục Bình 04/07/2015 08:01

Cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế thi hành pháp luật hiệu quả; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi pháp luật; không khoan nhượng, triệt để đối với tội phạm tham nhũng. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng - kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng cho Việt Nam”, do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức sáng qua (3-7), tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng: Một trong những khâu yếu nhất của công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) chính là việc thu hồi tài sản tham nhũng rất kém. Điều này làm giảm bớt hiệu quả những nỗ lực chống tham nhũng của toàn hệ thống chính trị. Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết: Từ năm 2013 về trước, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt khoảng 20%. Năm 2014 có chuyển biến hơn nhưng cũng mới khoảng 22%, nghĩa là gần 80% tài sản tham nhũng chưa được thu hồi trong khi pháp luật đã qui định rất nhiều biện pháp để tài sản trong các vụ án tham nhũng không bị tẩu tán như: kê biên, phong tỏa, kiểm kê tài sản…

Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, hình sự hóa hành vi “làm giàu bất chính” là cách để thực hiện chiến lược thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi, thu hồi tài sản theo cách thông thường là dựa vào các chế tài mang tính kinh tế như: phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại thì chưa hiệu quả. GS. Trần Ngọc Đường cho rằng, vấn đề lớn trong nhiều vụ án tham nhũng ở nước ta là không thi hành được bản án do tài sản bị tẩu tán vì việc quản lý tài sản cán bộ, công chức nói chung còn lỏng lẻo. Vì vậy, dù xử lý nghiêm khắc tội phạm nhưng không có khả năng thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát tài sản là lý do khiến tình hình tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo ông Đặng Đình Luyến- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc kê khai tài sản hiện còn mang tính hình thức. Vì vậy, phát hiện tham nhũng qua kê khai chỉ là con số ít ỏi. Điều này đã “làm khó” cho việc thu hồi tài sản bị tham nhũng đi kèm với bản án. Thế nên, luật phải kê khai trung thực từ đầu và quản lý, sự biến động của tài sản thế nào để tránh thất thoát, tẩu tán tài sản cũng như đảm bảo thu hồi tài sản bị tham nhũng, ông Luyến nói.

Nếu ví PCTN như “kiềng ba chân” gồm các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức liên quan và người dân thì việc người dân thờ ơ với tố cáo hành vi tham nhũng khiến chiếc “kiềng” không vững. Đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng nhận thấy, thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng vào PCTN là rất quan trọng vì không một chủ thể đơn lẻ nào có thể thực hiện hiệu quả chính sách PCTN. Ông Takeshi Matsumoto, chuyên gia JICA cho biết, sự ủng hộ của người dân là một trong những yếu tố giúp nước này thành công trong việc điều tra một số chính trị gia, quan chức cấp cao, thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, muốn dân tin thì cơ quan thực thi pháp luật phải chứng tỏ sự minh bạch, công tâm, chống tham nhũng hiệu quả.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, nhiều khảo sát cho thấy, người dân chưa nhiệt tình tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng vì lý do cơ bản là “sợ trả thù, sợ quyền lợi bị ảnh hưởng” do pháp luật PCTN đang thiếu một cơ chế bảo vệ người làm chứng và người tố giác tham nhũng. Trong khi đó, xuất phát từ bản chất phức tạp, tinh vi và khó bị phát hiện nên khả năng tìm chứng cứ để xử lý tội phạm tham nhũng rất thấp. Vì vậy, “cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hoặc người làm chứng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng”.

Trong “cơ cấu” của cơ chế xử lý tội phạm tham nhũng thì “sức mạnh” của các cơ quan PCTN được nhiều chuyên gia quốc tế lưu tâm. Theo các chuyên gia của UNDP, hiệu quả PCTN không chỉ là hình phạt tiền hay tù mà quan trọng mà là tăng nguy cơ bị phát hiện của chủ thể có khả năng có hành vi tham nhũng bằng khả năng của các cơ quan PCTN vì “nếu người có ý định tham nhũng nghĩ đến khả năng bị phát hiện, bị bắt lớn thì họ sẽ giảm khả năng tham nhũng, ngược lại thì sẽ liều lĩnh hơn”, ông Scott Ciment - Cố vấn chính sách của UNDP cảnh báo.

Do vậy, các chuyên gia quốc tế cùng nhận định, cần nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ quan điều tra, đặc biệt là các cơ quan tố tụng bởi truy tố quan trọng không kém hoàn thiện khung pháp luật để đưa các vụ tham nhũng ra ánh sáng. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra và truy tố cần có công cụ linh hoạt và phối hợp liên ngành, nhất là đảm bảo vai trò quan trọng của Viện Kiểm sát Nhân dân trong việc kiểm sát điều tra tội phạm tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hồi tài sản tham nhũng để chống tham nhũng