Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Cần gỡ khó cho doanh nghiệp

Phương Nguyên 15/03/2017 08:05

Nông nghiệp Việt Nam luôn là điểm thu hút với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã có một số vướng mắc nảy sinh. Để khắc phục những hạn chế này, vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm và tìm hiểu môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Đoàn công tác thường niên các doanh nghiệp Hoa Kỳ (USABC) gồm 29 doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ đã đến và làm việc với Bộ NN&PTNT.

Phân bón thân thiện môi trường sẽ giúp nông nghiệp phát triển bền vững Ảnh: Phùng Tuấn.

Chọn giải pháp tổng thế

Tham dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ông Michael Michalak - Phó chủ tịch cấp cao USABC cùng các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Monsanto, Down, Cargill, Elanco, Microsoft...

Đại diện các DN Hoa Kỳ đã có những chia sẻ về kinh nghiệm, thành công trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của họ cũng như cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để nền nông nghiệp có thể phát triển bền vững trong tương lai, đảm bảo an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, các DN Hoa Kỳ cũng nêu những vấn đề liên quan đến quy định sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay, cũng như những khó khăn, vướng mắc của các DN Mỹ trong hoạt động kinh doanh ở thị trường Việt Nam và mong muốn phía Việt Nam có những biện pháp tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng của Mỹ vào Việt Nam.

Theo đại diện Công ty Cargill, Việt Nam đã có Thông tư số 06/2016/TT-BNNPTNT về việc ban hành danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, trong đó đưa ra những quy định rất rõ ràng về việc ngừng sử dụng một số loại kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích tăng trưởng bắt đầu từ tháng 1/2018.

Cargill hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay một loạt kháng sinh đang được nông dân sử dụng cho mục đích phòng ngừa, điều trị bệnh… cho vật nuôi. Nếu thực hiện theo quy định này sẽ hạn chế đáng kể khả năng phát triển chăn nuôi của trang trại, nông dân.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong khi thế giới đứng trước sự lạm dụng sử dụng kháng sinh, Việt Nam cũng đang trong tình trạng đó. Bởi vậy, ngay từ bây giờ phải có hành lang để làm sao ngăn cản vấn đề này, nhất là trước tình trạng biến đổi khí hậu làm nảy sinh nhiều dịch bệnh như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đồng tình và sẽ cùng với các DN hạn chế thấp nhất dùng kháng sinh cho mục đích kích thích trong tăng trưởng, đặc biệt là trong phòng ngừa dịch bệnh. Xu hướng sẽ lựa chọn giải pháp tổng thế chứ không phải giải pháp dùng kháng sinh. Trong điều trị bệnh sẽ phải có cán bộ thú y chỉ định. Trên nguyên tắc minh bạch, Việt Nam sẵn sàng tiếp thu ý kiến DN nhằm mục tiêu trên.

Cần phân bón thân thiện môi trường

Về vấn đề an toàn và bảo vệ thực vật liên quan đến việc bột bã ngô (DDGS) nhập khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam, theo quy định từ tháng 4-2017 phải phun khử trùng để xử lý mọt trước khi xuất cảng.

Hiện mỗi bên đang đề nghị xử lý bằng một chất khác nhau, cần có sự thống nhất trong việc sử dụng hóa chất để xử lý mọt. Với kiến nghị trên của DN, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục tiêu của cả hai nước là quản lý dịch hại để không có sự lan truyền, bảo vệ thế giới phát triển bền vững.

Do đó, cần có giải pháp để không có con mọt đó vào Việt Nam. Mỗi nước đã đề xuất một nhóm giải pháp khác nhau và điều này là bình thường. Bộ trưởng cho biết, sẽ chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cùng với các DN để đưa ra việc xử lý hiệu quả nhất và cả hai bên đều chấp nhận được.

Trước kiến nghị của đại diện Tập đoàn Dow về việc Việt Nam ngừng tiếp nhận đăng ký một số loại thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu, đặc biệt sử dụng cho cây lúa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, xu hướng nông nghiệp Việt Nam là rất cần phân bón thân thiện môi trường, đặc biệt là phân hữu cơ, phân vi sinh, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp.

“Việt Nam là đất nước chưa phát triển nhưng rất có ý thức trong bảo vệ môi trường. Cũng như các quốc gia khác, mỗi bước đi Việt Nam cần nhìn nhận lại để có sự kiểm soát về quản lý”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Về việc đại diện Tập đoàn Microsoft đề cập đến vấn đề mong muốn hợp tác với Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN&PTNT Việt Nam), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhiệt liệt hoan nghênh, đặc biệt là khi đang đứng trước bối cảnh thực hiện nền công nghiệp lần thứ 4 của thế giới.

Ông Michael Michalak cảm ơn về những phản hồi của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trước những kiến nghị của DN đã đưa ra. Theo ông Michael Michalak, cách tốt nhất để xử lý những vướng mắc, khó khăn là sự phối hợp của các chuyên gia của các đơn vị chức năng cùng với các DN để có được giải pháp tốt nhất. Do vậy, tốt nhất là hai bên cùng tạo hành lang, khuôn khổ để các chuyên gia làm việc với nhau và có thể hoàn toàn yên tâm với kết quả công việc của họ.

Bộ NN&PTNT sẽ là đầu mối quản lý về phân bón

Để tránh sự chồng chéo, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã kí và ban hành Công văn số 2000/VPCP-NN gửi Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT về việc chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón trên tinh thần, giao Bộ NN&PTNT là đơn vị chịu trách nhiệm quản lí nhà nước về phân bón.

Ước tính, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện gần 2.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực phân bón, tăng hơn 150% so với năm 2015 với số tiền phạt hành chính hơn 22 tỷ đồng, trong đó đã có 12 vụ việc được chuyển cơ quan điều tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Cần gỡ khó cho doanh nghiệp