Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế -Tài chính của Quốc hội, ngoài 4 lĩnh vực đã quy định tại Luật số 69/2014/QH13 (Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế), cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung những lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước.
Về tiền lương, thù lao, tiền thưởng, Điều 24 dự thảo Luật quy định Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người lao động; quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên, Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác theo Điều lệ doanh nghiệp hưởng lương trong quỹ lương chung của doanh nghiệp.
Quy định nêu trên phù hợp với Nghị quyết 12-NQ/TW, trong đó xác định thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, triển khai cơ chế trả lương, thưởng theo thỏa thuận đối với tổng giám đốc và một số chức danh quản lý chủ chốt của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính đề nghị không quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.
Lý do được đưa ra đó là chưa phù hợp với tinh thần xây dựng Luật là “doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm” vì cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn can thiệp vào việc quyết định lương, thù lao tại doanh nghiệp; tạo thêm thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đã thực hiện theo nguyên tắc để xây dựng lương, thù lao nhưng vẫn phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đồng thời, chưa phù hợp với nguyên tắc lương tiền lương, thù lao, tiền thưởng căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với thị trường, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp tại Điều 24 dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Hội nghị Trung ương 11 đã xác định doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, kinh tế tư nhân là động lực, vì vậy việc sửa đổi luật lần này cần tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cập nhật Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII để sửa đổi luật, đảm bảo yêu cầu đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tăng trưởng năm 2025 đạt 8%, đến năm 2030 tăng trưởng 2 con số.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến doanh nghiệp nhà nước, phải điều chỉnh các quy định về quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sắp xếp cơ cấu lại vốn, kiểm tra, giám sát, trong đó nhấn mạnh đến kiểm tra giám sát của cấp ủy Đảng, của Bộ Tài chính.
Dự thảo luật quy định đối tượng áp dụng doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50-100% vốn nhà nước, bao gồm doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội và xã hội nghề nghiệp, không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư khác do doanh nghiệp nhà nước đầu tư để tăng tính tự chủ. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan trình dự án luật làm rõ cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước để tránh khoảng trống pháp luật.
Liên quan đến vấn đề tiền lương, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ, cần áp dụng thế nào để người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước đủ sống. Thực tế, chế độ lương, thưởng của doanh nghiệp tư nhân bao giờ cũng cao hơn so với Nhà nước. Vào bệnh viện tư nhân khác hẳn bệnh viện công, hay như trường học tư cũng khác so với trường công, ai có điều kiện cũng gửi con em vào học trường tư. Do vậy, bây giờ phải nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước thông qua cơ chế trả lương cho người lao động.
Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định, dự thảo lần này khác xa so với ban đầu khi trình Quốc hội tại kỳ họp trước. Về vấn đề tiền lương để thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi, theo ông Phớc, quan điểm phải có cơ chế trả lương như tư nhân và giao quyền tự quyết cho doanh nghiệp.
“Một kỹ sư giỏi, doanh nghiệp tư nhân trả lương 100 triệu đồng mỗi tháng, mình chỉ trả lương 10 triệu đồng, thì làm sao thu hút được”, ông Phớc nói, đồng thời bày tỏ mong muốn dự án sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025 để “đi vào cuộc sống nhanh hơn”.
Ông Phớc cũng cho rằng, khi người đại diện phần vốn nhà nước “biệt phái” xuống doanh nghiệp thì sẽ trả lương tại doanh nghiệp, chứ không phải nhận lương từ ngân sách Nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đã là doanh nghiệp phải hành xử theo doanh nghiệp. “Lúc khó khăn cử anh em xuống, khi làm ăn ra mà lại nhận lương hành chính thì không phấn khởi lắm”, ông Hải cho hay.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng nêu rằng: Nếu đưa ra cơ chế khắt khe, họ rất vất vả nhưng tiền lương thưởng theo ba rem, thang bậc thì không bao giờ có người tài và có người tài thì họ cũng không làm hết trách nhiệm. Doanh nghiệp ở ngoài cùng ngành nghề họ trả gấp 5-10 lần, còn người đại diện vốn nhà nước được trả rất thấp, rõ ràng là không được.