Giáo dục

Thu hút sinh viên học các ngành khoa học cơ bản: Nỗ lực từ nhà trường là không đủ

Lam Nhi 05/10/2024 07:15

Mặc dù, tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản ở nhiều trường đại học đã ghi nhận những khởi sắc, nhưng vẫn cần thêm những chính sách hỗ trợ dài hơi, bài bản từ phía Nhà nước.

sv.jpg
Tân sinh viên Trường Đại học Mỏ Địa chất làm thủ tục nhập học năm 2024. Ảnh: NTCC.

Đến thời điểm này, phần lớn các trường đại học đã kết thúc tuyển sinh năm học 2024-2025 dù không phải tất cả mọi ngành của các trường đều đã tuyển đủ chỉ tiêu.

Thông tin từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay trường tuyển sinh 1.850 chỉ tiêu với 27 ngành đào tạo. Với các ngành khoa học cơ bản là Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học, ghi nhận tuyển sinh tốt với điểm chuẩn cao, số lượng thí sinh nhập học đều đạt và vượt nhẹ chỉ tiêu. Trong khi các ngành khối khoa học trái đất điểm chuẩn chỉ ở ngưỡng đảm bảo chất lượng hoặc không cao và số sinh viên trúng tuyển nhập học chỉ đạt và có ngành không đạt chỉ tiêu.

Tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển các ngành khoa học cơ bản năm nay đạt trên 90%. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết năm 2024, nhà trường tuyển 3.350 chỉ tiêu các ngành khoa học cơ bản. Trong 3 năm gần đây, tỉ lệ trúng tuyển nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh đạt trên 80%.

Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) cho biết, kết quả tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản của trường năm nay đã có nhiều khởi sắc so với 3 năm trước. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản của trường chỉ đạt 20,8%; năm 2022 đạt 19%; năm 2023 đạt 32%.

Năm 2024, Trường Đại học Khoa học đã quyết định điều chỉnh chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.

Cụ thể, trường xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng giáo viên cho các ngành Khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý, Hoá học, Văn học, Lịch sử... giúp cho nhà trường có lượt sinh viên đến nhập học tăng cao hơn so với những năm trước đây.

Đây là một trong những giải pháp được Trường Đại học Khoa học áp dụng để khuyến khích người học đầu quân vào lĩnh vực khoa học cơ bản, cân đối nguồn nhân lực đào tạo và không tạo thành sự lãng phí lớn về đội ngũ, cơ sở vật chất…

PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng đào tạo (Trường Đại học Mỏ - Địa chất), việc nhà trường năm nay có sự cải thiện đáng kể trong đăng ký tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản có nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc phân tích và xác định chỉ tiêu cần tuyển phù hợp với nhu cầu thực tế giúp nhà trường tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt chú trọng vào việc hợp tác với doanh nghiệp, viện nghiên cứu giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo đầu ra cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Với nguyên nhân là cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động trong lĩnh vực khoa học cơ bản còn thấp, nhiều chuyên gia chỉ ra cần tiếp tục có những điều chỉnh từ phía nhà trường về chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cũng như sự trợ giúp từ phía nhà nước để cải thiện thu nhập, tạo ra sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Để “cứu” các ngành khoa học cơ bản, Bộ Giáo dục và Đạo tạo đã có Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ. Trong Đề án có đề xuất giải pháp cụ thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học cơ bản.

Bộ cũng đang phối hợp với một số bộ, ngành để xây dựng một hệ thống thông tin theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và dự báo nhu cầu của các ngành đào tạo với mong muốn đây là một công cụ để hoạch định và điều chỉnh các chính sách, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành cũng như đối với từng cơ sở giáo dục đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút sinh viên học các ngành khoa học cơ bản: Nỗ lực từ nhà trường là không đủ