Thử làm hảo hán!

Hoài Nam 01/08/2017 18:36

Sinh thời, Mao Trạch Đông từng có một câu bất hủ: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” - Chưa đến Vạn lý trường thành (thành dài vạn dặm) chưa phải là hảo hán. Có lẽ khi nói câu này, Mao Chủ tịch cũng không nghĩ rằng rồi nó sẽ để đời; và hơn thế, sẽ trở thành một trong những yếu tố có tác động tích cực đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Trung Quốc về sau: không một ai, dù sự am tường và yêu thích nền văn hóa Trung Quốc có đậm nhạt khác nhau, khi lần đầu tiên đặt chân lên đất nước đất rộng

Để chiêm ngưỡng, và cũng để nếm trải cái cảm giác được trở thành hảo hán nó ra làm sao? Người viết bài này cũng vậy. Đến Bắc Kinh, tôi đã phải tìm mọi cách tới thăm Vạn lý trường thành.

Vạn lý trường thành là bức thành bằng đất và đá, được xây dựng liên tục từ thế kỷ thứ V trCN đến thế kỷ XVI. Trường thành hiện tại có độ dài gần 22.000 km, chiều cao trung bình là bảy mét, bề rộng trung bình của mặt thành từ năm đến sáu mét. Chỉ cần một vài thông số như thế thôi có lẽ đã quá đủ để buộc phải dùng từ “vĩ đại” khi nói về công trình kiến trúc vừa mang chức năng phân chia ranhs giới vừa mang chức năng phòng thủ quân sự này! Phóng tầm mắt nhìn ra xa, thấy bức thành ngoằn ngoèo chạy dài giữa trập trùng núi non hùng vĩ, có đoạn bị khuất trong màu xanh của cây rừng, rồi lại chợt hiện ra, càng xa thì càng nhỏ, nhỏ dần, nhỏ đến như một sợi chỉ chạy hút về phía chân trời. Ngó ra ngoài thành, thấy cả một vùng thảo nguyên mênh mông lồng lộng gió mà trong lòng đầy cảm khái.

Vạn lý trường thành, niềm kiêu hãnh Trung Hoa! Xây thành để tự bảo vệ mình, đó là điều cần thiết, nhưng đôi khi việc xây Vạn lý trường thành cũng phải trả giá bằng quá nhiều hệ lụy. Theo sử cũ, đoạn thành chính yếu đầu tiên của Vạn lý trường thành được xây theo lệnh của Tần Thủy Hoàng đế (259 trCN – 210 trCN), và khoảng một triệu công nhân đã bỏ xác khi thực hiện công việc này – bởi thế mà trường thành còn có một cái tên khủng khiếp: nghĩa địa dài nhất trái đất! Trong số một triệu nhân mạng ấy, ai đếm được có biết bao người xuất thân trí thức Nho giáo, vốn chân yếu tay mềm, đã phải chịu cảnh vùi thân vì cái ác cảm với kẻ “có chữ” của Tần Doanh Chính (Hãy nhớ tới chính sách “phần thư khanh nho” – đốt sách, chôn sống nhà Nho – khét tiếng của vị Hoàng đế này)?

Tôi đang đi trên đoạn thành giữa tháp canh số tám và tháp canh số chín. Chịu, không biết đây có phải đoạn thành mà Tần Thủy Hoàng đế cho xây hay không? Nhưng thấy lạnh, cái lạnh của bàn chân khi bước trên những phiến đá âm vọng tiếng gào thét của lịch sử nghìn năm. Cái lạnh ấy, trở thành cái lạnh âm âm toàn thân khi vào trong tháp canh. Mỗi tháp canh trên Vạn lý trường thành chỉ có một lối lên duy nhất và đường lên cũng rất hẹp, chỉ đủ cho một người. Mục đích của việc xây tháp canh như thế này, đương nhiên không ngoài việc gây khó khăn cho kẻ địch mỗi khi định công thành. Quả đúng với tinh thần của một câu cổ thi: “Nhất phu đương quan, vạn phu mạc khai” – Một người chặn, vạn người không qua được. Bao nhiêu trận chiến đã diễn ra ở đây giữa những chiến binh người Hán và những chiến binh du mục? Bao nhiêu ngọn thương, bao nhiêu mũi kiếm đã xuyên thấu thân người? Bao nhiêu máu đã đổ xuống trên nền đá tôi đang đứng?

Ở ngoài kia (quan ngoại), đâu là chỗ Tô Vũ phải chôn mộng anh hùng vào công việc tầm thường của một gã chăn dê, đâu là nơi người đẹp Vương Chiêu Quân đã gạt lệ nhìn về cố quốc trước khi đem thân về với vua xứ Hồ? Và ở trong này, dưới chân đoạn tường thành tôi đang đứng này, liệu có phải một trong những nơi khiến cho Sầm Tham, Vương Chi Hoán và bao thi sỹ tài năng khác nữa đã viết những bài thơ đầy cảm khái – bi tráng có, mà bi đát cũng có - những bài thơ làm thành dòng thơ “biên tái” nổi tiếng của Đường thi?

Đã xong một phen thử cái cảm giác trở thành hảo hán, tôi muốn trở lại làm người bình thường. Vì thế, sau Vạn lý trường thành, điểm đến thứ hai của tôi khi đặt chân lên đất Trung Quốc chính là thành phố Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông, quê hương của Khổng Tử, nơi có Khổng Tử miếu – di tích văn hóa được nhà nước Trung Quốc xếp hạng 5 A. Khổng Tử miếu rộng mênh mông, thâm u, đẹp và sạch với cấu trúc tầng tầng lớp lớp cây xanh xen kẽ những khối nhà kiến trúc theo lối cổ. Thực ra thì đa phần đều là xây mới, vì trong những năm 1960 – 1970, với tinh thần tiêu diệt cái cũ đầy quá khích của làn sóng Cách mạng văn hóa, miếu Khổng Tử gần như đã trở thành phế tích. (Trừ vài trường hợp đặc biệt, ví như tấm bia khắc ngự bút của Hoàng đế Khang Hy – to gấp 4, 5 lần bia tiến sỹ trong Văn Miếu của ta – nếu không có sự can thiệp kịp thời của cố Thủ tướng Chu Ân Lai thì chắc cũng đã biến thành đống đá vụn).

Người nữ hướng dẫn viên du lịch liến thoắng giới thiệu với tôi: Chỗ này là nơi ông Khổng Tử dạy học trò, chỗ này là nơi ông nghỉ ngơi, chỗ này là nơi ông tiếp khách, vườn hoa này là nơi ông ngắm cảnh thư giãn, cái giếng này là nơi ông múc nước rửa mặt, và kia là căn phòng của thân mẫu ông, kia nữa là biệt phòng của thân phụ ông v.v và v.v… Mọi thứ cứ y như thật, chẳng hề thay đổi gì dù đã có hơn hai nghìn năm nước chảy dưới chân cầu!

Nhưng có một điều lạ lùng là người Trung Quốc đã xây dựng Khổng Tử miếu theo đúng mô hình một cung điện của Hoàng đế. Bởi ở đây còn có những khu nhà để các quan đến yết kiến. Thậm chí có cả các phòng kín, nơi giam cầm những cung nữ phạm tội, đồ ăn thức uống cho họ được đưa qua một cái lỗ khoét chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay! Lạ, nhưng ngẫm một hồi lại thấy không lạ. Từ xưa đến nay, nhất là trong khoảng thời gian dài dằng dặc Nho giáo trở thành độc tôn trên đất nước này, Khổng Tử vẫn được coi là “tố vương” – vị vua không ngai. Kính ngưỡng ông vua không ngai bằng một công trình kiến trúc mô phỏng cung điện của ông vua có ngai, kể ra cũng không quá đáng. Nhưng cũng đúng là oái oăm thật! Sinh thời, đức thánh Khổng lao đao lận đận cùng đám học trò của mình đi khắp liệt quốc truyền bá đạo Nho, đến đâu cũng bị ghẻ lạnh, thậm chí bị xua đuổi – hãy nhớ lại một chi tiết trong “Luận ngữ”, khi đến lúc cùng đường, đói ăn khát uống, Khổng Tử đã tự mô tả mình như “con chó nhà có đám tang” – vậy mà bây giờ thì thật là… hoành tráng!

Nhưng quả đúng là ở Khổng Tử miếu – hay nói chính xác hơn, cách khai thác giá trị văn hóa ở Khổng Tử miếu của người Trung Quốc – khiến du khách cảm giác được tính chất “thiêng” của nơi này. Người Trung Quốc rất biết cách tạo ra những mây mù huyền thoại, biết cách khiến cho kẻ khác bị ngợp trong mây mù huyền thoại của họ, ban đầu có thể có sự hoài nghi nào đó, nhưng rồi lại tự động làm theo lúc nào không biết. Ví như khi đưa tôi đến một nơi được gọi là “Đại thành môn”, hướng dẫn viên du lịch nói: Đây là cửa “Đại thành” (thành công lớn), nhưng nếu anh đi qua theo lối chính thì mọi sự sẽ đều bất thành, vì vậy hãy đi lối phụ, bên tả hoặc bên hữu thì tùy. Làm thế nào đây? Mục đích chỉ là đi qua cửa thôi, anh có can đảm đánh đổi sự sợ hãi mơ hồ về một điều bất thành nào đó để thực hiện niềm tin sắt đá của kẻ vô thần hay không? Ít nhất thì lúc ấy tôi chẳng thấy ai, kể cả tôi, dám đi theo lối chính, vậy là huyền thoại đã phát huy tác dụng!

Một ví dụ khác: Khi thắp hương trước chính điện thờ Khổng Tử, không phải cứ cắm bừa ba cây hương vào là xong chuyện. Phải rất từ tốn, theo khẩu lệnh dõng dạc và nghiêm trang của người chủ tế, rồi khấu đầu bái lạy. Nhất bái, nhị bái, tam bái. Lúc đó mới gọi là xong lễ. Cũng đúng thôi, Khổng Tử - nhà tư tưởng vĩ đại, người khai sinh một ý thức hệ có sức phổ biến mạnh mẽ đến thế, có sức tồn sinh dai dẳng đến thế trên bề mặt quả địa cầu này - xứng đáng được hậu sinh ứng xử theo cách đầy tôn kính như thế. Thế nhưng, xin nói nhỏ, giá của ba cây hương không hề rẻ. Có nhiều loại hương, loại cao nhất giá hơn 1.000.000 VNĐ/ 3 cây, loại thấp nhất cũng gần 400.000 VNĐ/ 3 cây!

Một lần nữa lại thấy rằng người Trung Quốc là một trong số ít những dân tộc yêu kinh doanh và giỏi chuyện làm kinh doanh làm sao!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thử làm hảo hán!