Đời sống của người lao động hiện nay hết sức khó khăn khi thu nhập không đủ chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người đã phải chọn phương án rút bảo hiểm một lần dù biết sẽ thiệt thòi...
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Tương lai nào cho người lao động – nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội”, tổ chức tại TPHCM, ngày 10/6.
Phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt
Nhận định về thị trường lao động, TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời gian qua có sự dịch chuyển lao động một cách tích cực. Lao động trong khu vực dịch vụ tăng 39%, công nghiệp và xây dựng tăng 34%. Mặt khác, tình trạng thiếu việc làm cũng đã giảm so với thời gian trước.
Mặc dù, thị trường lao động khá ổn định, song ông Tiến lo ngại, có 47% lao động phải vay tiền để trang trải cuộc sống. Cụ thể, 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hàng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh… Theo TS Vũ Minh Tiến, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Thực tế, người lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, qua 2 năm dịch bệnh đời sống của người lao động khá bấp bênh, nhiều khó khăn. Ông Kiều Minh Sinh – Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho hay: “Mới đây chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy, công nhân trên địa bàn tỉnh thu nhập khoảng 7,8 triệu đồng/tháng nếu không tăng ca, còn tăng ca thì tổng thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng công nhân thu nhập khoảng mười mấy triệu/tháng. Với mức thu nhập này mà phải nuôi 2 con cùng với thuê nhà thì người lao động không còn tích lũy được gì.
PGS. TS Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin, năm 2021 qua khảo sát nhóm người 30 đến 40 tuổi (nhóm người lao động chính) chỉ 15% có tiết kiệm, sau dịch Covid-19 tại TPHCM, hầu như đã tiêu hết phần tiền tiết kiệm. 22% đang có một khoản đầu tư và thu nhập chủ yếu dựa vào tiền công, tiền lương.
“Bất kỳ cú sốc nào về mất việc làm cũng sẽ mất thu nhập, dẫn đến mất rất nhiều thứ khác. Bên cạnh đó, sau cú sốc Covid-19, có 80% người lao động bị giảm thu nhập, trong đó có 60% giảm 20 đến 30% so với trước dịch” - ông Long chỉ rõ.
Nhiều lao động phải rút bảo hiểm một lần
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, vì đời sống khó khăn cho nên gần đây nhiều lao động đã phải rút bảo hiểm xã hội một lần. TS Vũ Minh Tiến khẳng định, hàng triệu người lao động dù biết rút BHXH sẽ thiệt thòi về sau nhưng không còn cách nào khác vì cuộc sống của họ quá khó khăn. Về việc người lao động rút BHXH một lần, theo PGS.TS Thanh Long, chỉ là một hiện tượng sau khi trải qua cú sốc dịch bệnh và mất việc. Còn việc người lao động tham gia BHXH còn hạn chế là do bất cập giữa “cung và cầu”, bởi hiện nay ở nước ta đa số doanh nghiệp còn chưa quan tâm nhiều đến tương lai người lao động.
Để thu hút người lao động tham gia BHXH và hạn chế rút BHXH một lần, ông Long cho rằng, cần phải có chính sách hỗ trợ trẻ em, con em của người lao động. “Dẫn chứng một số nước cho thấy, việc hỗ trợ trẻ em giúp cho các gia đình bớt đi gánh nặng, bố mẹ sẽ có nguồn lực để tham gia BHXH. Thái Lan hiện cũng đang thúc đẩy phát triển quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ cho trẻ em mới sinh ra trong mỗi gia đình và mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 trẻ em, đảm bảo vấn đề nuôi con trong thời gian đầu, để bố mẹ có thu nhập thấp có thể tham gia BHXH” - ông Long thông tin.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giải quyết BHXH một lần cho 308.100 người, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính đến hết tháng 5/2022, cả nước có 390.397 người giải quyết hưởng BHXH một lần, giảm 40.189 người so với cùng kỳ năm 2021 (giảm 9,4%).
Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, dự kiến áp dụng thực hiện trong 18 tháng, từ 1/7 đến tháng 12/2023. Còn theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giải quyết BHXH một lần cho 308.100 người, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính đến hết tháng 5 năm 2022, cả nước có 390.397 người giải quyết hưởng BHXH một lần, giảm 40.189 người so với cùng kỳ năm 2021 (giảm 9,4%).