Đề cập đến nhiều người băn khoăn và có ý kiến cho rằng "phí chồng phí", lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tất cả các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đều đang có đường quốc lộ song hành người tham gia giao thông có quyền lựa chọn.
Thu phí đường cao tốc Nhà nước đầu tư từ 900 - 5.200 đồng/km
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP quy định thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác. Nghị định cũng giao cơ quan quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc là cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc.
Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc được phân thành 5 nhóm:
Nhóm 1 gồm các loại phương tiện: Xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng.
Nhóm 2 gồm các loại phương tiện: Xe từ 12 - 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn.
Nhóm 3 gồm các loại phương tiện: Xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn.
Nhóm 4 gồm các loại phương tiện: Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet.
Nhóm 5 gồm các loại phương tiện: Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.
Theo đó, các tuyến đường cao tốc triển khai thu phí sẽ được thực hiện sau khi đã đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, nguồn lực thực hiện đó là đã hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trên tuyến cao tốc đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã đưa vào khai thác gồm: Kim Thành-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Hòa Liên, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây và Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Trong số 12 tuyến cao tốc trên, những tuyến cao tốc 2 làn xe, có làn dừng khẩn cấp không liên tục như: Cam Lộ-La Sơn, Mai Sơn-Hòa Liên đã có chủ trương mở rộng lên 4 làn xe sẽ chỉ thu phí sau khi các tuyến cao tốc này được đầu tư nâng cấp, mở rộng đủ tiêu chuẩn đường cao tốc.
Hiện nay, các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư được chia thành 2 nhóm và sẽ chia thành 2 mức. Nhóm đáp ứng quy chuẩn hiện hành theo Luật Đường bộ (có tối thiểu 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp liền mạch) và nhóm chưa đáp ứng quy chuẩn hiện hành (hầu hết các cao tốc trên trục Bắc-Nam).
Mức phí được tính toán kỹ lưỡng
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết mức phí đã được tính toán, phân tích kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
"Nhà nước thu phí cao tốc không phải vì lợi nhuận mà nhằm bù đắp chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, phương án tài chính của dự án và tái đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới. Mức thu đã được các cơ quan quản lý nghiên cứu thận trọng, tránh tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí logistics", ông Thái cho hay.
Theo ông Thái, mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các tuyến đường cao tốc đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc tương đương với 70% lợi ích của người sử dụng nhận được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng từ 1.300 đồng/xe/km đến 1.500 đồng/xe/km).
Mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đáp ứng đầy đủ quy định tại Luật Đường bộ tương đương với 50% lợi ích của người sử dụng nhận được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 900 đồng/xe/km).
Với mức phí quy định tại Nghị định 130/2024, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với các tuyến cao tốc đang khai thác, dự kiến số phí thu được là 3.636 tỷ đồng/năm. Số nộp ngân sách dự kiến là 3.399 tỷ đồng, sau khi trừ chi tổ chức thu phí 6,5% số thu theo quy định.
Số tiền nộp về ngân sách Nhà nước được sử dụng để chi cho công tác xây dựng, nâng cấp, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.
Đề cập đến nhiều người băn khoăn và có ý kiến cho rằng “phí chồng phí" khi hiện nay Nhà nước đã thu phí đường bộ theo đầu phương tiện, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hiện tất cả các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đều đang có đường quốc lộ song hành. Theo đó, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ hiện có hoặc trả phí sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.
"Mức thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư được xây dựng trên cơ sở pháp luật về phí và lệ phí và đã khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan, tránh thu phí trùng phí. Mức thu phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thụ hưởng", lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.