Sau đề xuất của TP Hồ Chí Minh về việc lắp 34 cổng thu phí ô tô vào nội đô, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã xây dựng Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Dư luận đặt vấn đề: Việc thu phí như vậy có khả thi?
Đường vành đai 3, Hà Nội.
Theo Sở GTVT Hà Nội, quy mô dân số của Hà Nội khoảng 10 triệu, mật độ tập trung cao nhất ở khu vực bên trong vành đai 3. Trong khi đó, khu vực vành đai 3 hiện chiếm hơn 80% số điểm ùn tắc trên địa bàn. Do đó Sở dự kiến thu phí ô tô khu vực trong vành đai 3, phương tiện ngoài vành đai đi vào nội thành sẽ bị thu phí.
Theo lộ trình, đề án thu phí ô tô vào nội đô được xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt trong hai năm (2019, 2020); giai đoạn 2020 đến 2030, căn cứ vào nội dung được duyệt, cơ quan chức năng sẽ triển khai đề án.
Ông Bùi Danh Liên - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc hạn chế phương tiện vào nội thành là cần thiết, song theo kế hoạch cuối năm 2019 trình và thông qua đề án, có thể triển khai ngay vào năm sau là nóng vội vì bối cảnh hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật còn yếu.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, đề xuất trên chưa rõ, bởi việc thu phí ô tô vào nội thành sẽ làm gia tăng số lượng xe máy vì phương tiện công cộng ở Hà Nội chưa được cải thiện, trong khi đó Hà Nội đã đưa ra đề án hạn chế phương tiện cá nhân, lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy ở các quận nội thành. Các nước thực hiện thành công việc thu phí ôtô vào nội đô vì họ giải quyết tốt vấn đề giao thông công cộng, phương tiện công cộng phải đáp ứng khoảng 50 đến 60% nhu cầu đi lại của người dân trong khi hiện nay ở Hà Nội, phương tiện công cộng mới đáp ứng trên 10%.
Theo ông Quyền, trong khi việc phát triển phương tiện vận tải công cộng chưa tốt thì liệu việc đưa chủ trương này ra có làm được không, hay lại gia tăng số lượng xe máy. Nếu các chủ trương không đồng bộ, cũng như không tính toán đồng bộ các giải pháp, có khi thực hiện lại làm trầm trọng hơn những vấn đề đang cần phải giải quyết.
Ông Quyền cũng lưu ý, nếu tổ chức thu phải thu phí không dừng. Tuy nhiên, chỉ cần sử dụng 1 tài khoản thẻ thôi chứ đi ra quốc lộ 1 thẻ, vào trung tâm 1 cái, sang thành phố khác lại 1 cái nữa. “Cho nên cần nghiên cứu một cách đồng bộ và toàn diện hơn nữa” - theo ông Quyền.
Từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiều khóa, bà Bùi Thị An - ĐBQH khóa XIII cho rằng, ùn tắc giao thông tại Thủ đô đến nay đã quá nặng nề, vì thế tìm giải pháp để chống ùn tắc là điều đáng mừng. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội phải có nhiều giải pháp, trong đó chú ý đến những giải pháp khác hơn là giải pháp thu phí vào nội đô. Bởi thu phí chỉ là giải pháp tình thế, cho nên phải tìm các giải pháp khác căn cơ hơn.
TS Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho rằng, hiện tượng ùn tắc trong nội đô của Hà Nội có nhiều nguyên nhân và “giải pháp này là hợp lý về mặt chủ trương” nhưng cần xem xét lại một số vấn đề, trong đó có việc bắt đầu điểm dừng để thu phí từ đâu. “Vành đai 3 là tuyến đường chạy xuyên qua nội đô. Từ vành đai 3 vào bên trong còn có 8 tuyến đường xuyên tâm nữa, trong đó có tuyến đường đã thực hiện tốt thí dụ như Trần Duy Hưng, tuyến 22 do vậy cần xem xét lựa chọn điểm bắt đầu thu phí vào là ở đâu, chứ không thể nói như Sở GTVT là cứ vào đường vành đai 3 là thu phí”- ông Nghiêm nêu vấn đề và thêm rằng phải xem xét khả năng bố trí giao thông công cộng với các điểm thu phí để tạo điều kiện cho người dân có thể chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Từ đó phải cân nhắc các điểm dừng vào đầu mối các tuyến trung tâm đã có tuyến xe buýt thích hợp hay chưa, đặc biệt đã có bãi đỗ xe cho người dân hay không.
* Ngày 31/7, tại Hội nghị giao ban công tác tháng 7 của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, hiện TP chưa xác định vùng thu phí. TP mới nêu nguyên tắc việc thu phí vào nội đô là một trong những giải pháp đã được HĐND thành phố thông qua. Để thực hiện chủ trương này, UBND TP đang xác định vùng thu phí, đối tượng, phương thức thu phí và đánh giá các tác động liên quan. Ông Viện cũng cho biết, việc thu phí phương tiện vào nội đô đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Tài chính đã có văn bản đồng ý để TP xây dựng đề án. Vẫn theo ông Viện, Sở sẽ thận trọng nghiên cứu, báo cáo UBND TP trước khi thông báo chính thức.