Sẽ tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng. Đó là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ sau rất nhiều đốc thúc.
Hàng loạt bất cập
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Hiện VEC (Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam) đang quản lý 5 dự án cao tốc, các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT mà được hợp vốn từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước (Chính phủ vay ODA và cấp phát, vốn đối ứng), vốn do VEC vay lại và vốn chủ sở hữu. Hiện tại, VEC đang tổ chức vận hành, khai thác và thu phí 4 dự án, còn lại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công.
Để thực hiện thu phí không dừng tại các dự án của VEC, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai theo hướng VEC đầu tư, vận hành hệ thống thiết bị tại trạm thu phí, kết nối với trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch thu phí không dừng được Bộ GTVT lựa chọn.
Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc nên tiến độ thực hiện không đáp ứng yêu cầu, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ các tồn tại vướng mắc. Theo tính toán sơ bộ của VEC, để đầu tư và chuyển đổi toàn bộ hệ thống thu phí thủ công sang thu phí tự động không dừng đồng bộ cho tất cả các dự án (khoảng 395 làn), cần nguồn vốn đầu tư khoảng từ 800-900 tỷ đồng.
Ngoài các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn nêu trên, còn vướng mắc trong quá trình tổ chức điều hành thực hiện như việc đầu tư thu phí tự động không dừng là hình thức mới, phức tạp cả về công nghệ và thủ tục pháp lý trong khi các chủ thể tham gia thực hiện, quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt đối với các dự án có tính chất đặc thù như của VEC.
Bên cạnh đó, dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1) do Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đầu tư với 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên), 18 trạm trên các cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án giai đoạn 2 (BOO2) do liên danh Viettel đứng đầu gồm 33 trạm còn lại trên toàn quốc.
Dự án thu phí không dừng triển khai từ năm 2015, Chính phủ yêu cầu hoàn thành, triển khai trên cả nước vào cuối năm 2019. Tuy nhiên sau đó dự án đã không thể hoàn thành đúng hạn và được gia hạn đến hết 2020. Bộ trưởng GTVT, Thứ trưởng và các ban ngành thuộc Bộ GTVT đã nhận trách nhiệm, “nghiêm khắc phê bình” do dự án thu phí không dừng chậm tiến độ.
Theo Bộ GTVT, với dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2 gồm 33 trạm), dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lựa chọn Tập đoàn công nghệ Viettel và một số DN làm nhà đầu tư dự án, nhưng do vướng mắc về chủ trương tái cơ cấu Viettel khiến tiến độ thành lập DN dự án bị chậm từ tháng 7/2019 tới nay. Như vậy việc lắp đặt triển khai hệ thống ETC tại 33 trạm thu phí còn lại - mốc tiến độ gần như bất khả thi.
Với dự án BOO1 (gồm 44 trạm), tính đến giữa tháng 6 cơ bản đã lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, trừ 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý vì vướng mắc về nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc VETC, việc đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ giữa nhà đầu tư là Công ty TNHH thu phí tự động VETC và các nhà đầu tư BOT lại đang khá chậm chạp.
Cùng với đó là hàng loạt bất cập như: Thiếu thông tin tuyên truyền về sử việc sử dụng thu phí điện tử tới người dân, sự hợp tác giữa các bên chưa được chặt chẽ, xe dán thẻ thu phí cũng không hơn xe không dán thẻ, người dân có thói quen chi trả phí bằng tiền mặt, tính liên thông kết nối giữa các đơn vị với ngân hàng, nhà mạng rời rạc...
Không thể lấy lí do “chưa có kinh nghiệm”
Những nguyên nhân khiến cho hoạt động thu phí tự động không dừng được bàn nhiều, đốc thúc nhiều nhưng triển khai lại thiếu hiệu quả do không đồng bộ. Và tới điểm này, toàn quốc có khoảng 3,5 triệu phương tiện vận tải nhưng sau hơn 3 năm triển khai chỉ có khoảng 800 ngàn phương tiện đồng ý dán thẻ để thu phí. Đó là con số đáng phải suy nghĩ.
Lý giải đây là việc làm mới, nên chưa có kinh nghiệm, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng ở góc độ nào đó vẫn cho thấy sự thiếu quyết liệt từ cấp quản lý. Đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19 hiện nay, việc thu phí tự động không dừng chính là một bước đi đột phá trong việc phát triển số hóa trong lĩnh vực thu phí giao thông. Nó không chỉ giúp công khai minh bạch nguồn thu của các trạm BOT, điều mà bất cứ người dân nào cũng mong muốn mà còn giúp tiết kiệm được chi phí cho người nộp phí, người thu phí, giảm ùn tắc, tạo thuận lợi, cho người và phương tiện qua trạm nhanh chóng, an toàn.
Phía chuyên gia giao thông cho rằng, giải pháp lúc này là Bộ chủ quản và các cơ quan liên quan cần tham mưu để Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách cụ thể hơn, tạo ra hành lang pháp lý để vận hành thông suốt, trong đó có việc phân định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên khi triển khai loại hình thu phí tự động không dừng từ chủ đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí đến người tham gia giao thông và các cơ quan quản lý nhà nước.
Thời hạn buộc tất cả các trạm thu phí BOT phải tổ chức thu phí không dừng đang đến gần. Để giải quyết sự chậm trễ này, nói như chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, người cầm trịch ở đây là Bộ GTVT. Nhà nước đã quyết và giao quyền cho Bộ GTVT và Bộ này phải chỉ đạo cấp dưới thực hiện, nếu không thì phải có biện pháp cứng rắn.