Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam kiên trì và thực hiện mạnh mẽ hơn chiến lược phòng chống dịch, có điều chỉnh về diện khoanh vùng cách ly, mở rộng đối tượng xét nghiệm.
Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 15/3, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp. Những ngày qua nước ta liên tục ghi nhận trường hợp mắc. Hầu hết do xâm nhập từ nước ngoài và lây trong cộng đồng. Ngành y tế biết rõ về nguồn gốc của những ca lây nhiễm, khác một vài nước không xác định được bệnh nhân số 0. Đây là điểm mạnh trong vấn đề quản lý của Việt Nam.
Vì thế mục đích của hội nghị nhằm để các địa phương có cách thức để ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn với tình hình dịch.
Thứ trưởng Long cũng cho rằng thời gian tới cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và triệt để hơn. Điều này rất quan trọng.
“Thời gian qua có một số tư tưởng, trao đổi cũng làm lung lay một số cán bộ nhưng trên quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng chúng ta càng phải thực hiện điều này mạnh mẽ, quyết liệt hơn”, thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Thứ nhất theo thứ trưởng Long, đối với chiến lược phòng chống dịch bệnh, Việt Nam kiên trì chiến lược đã đề ra nhưng có những thay đổi cho phù hợp hơn. Trong đó, quan trọng nhất là quyết tâm, kiên trì ngăn ca xâm nhập.
Thực tế, tại Việt Nam thời gian qua đã làm rất tốt với khu vực phía Bắc.
“Nếu tiếp tục để các ca bệnh bên ngoài vào lây lan trong cộng đồng thì khả năng đáp ứng hết sức khó khăn. Vì thế chúng ta kiên trì, quyết liệt với chiến lược đã đề ra”, thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia đã có văn bản chỉ đạo tất cả các đại phương, xác định rõ, coi khối Schengen châu Âu, Anh, Mỹ là vùng dịch, vùng tâm dịch. Tất cả những hành khách đến từ khu vực này được cách ly tập trung, nhằm ngăn chặn triệt để.
Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành, các quận huyện.
“Chúng ta thực hiện điều này từ ngày 14/3, để kịp thời ngăn chặn các chuyến bay có người dương tính. Nhờ chặn ngay từ cửa khẩu, xét nghiệm ngay mà chúng ta phát hiện được ca dương tính. Nếu để những ca này vào Việt Nam sẽ có những diễn biến phức tạp như ca bệnh số 34”, thứ trưởng Long cho biết thêm.
Với các tỉnh biên giới phía Bắc, thứ trưởng Long cho biết vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp, ngăn chặn kiểm soát ở biên giới, chưa có lệnh nới lỏng khu vực này. Phía Nam cũng tương tự, kiểm soát về khai báo y tế.
“Chúng ta kiên trì, kiên định áp dụng các chiến lược phòng chống dịch đã đề ra và đẩy mạnh ở phức độ cao hơn”, thứ trưởng Long nói.
Thay vì cách ly một vùng, Việt Nam khoanh vùng nhỏ hơn, chặt hơn
Vấn đề thứ 2 là Việt Nam tiếp tục thực hiện cách ly, cách ly triệt để. Thời gian qua Việt Nam làm tốt việc này. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá điều thành công nhất của Việt Nam chính là cách ly. Điều này đã phát huy được hiệu quả. Nếu để một cả cộng đồng có ca bệnh ra bên ngoài thì sẽ rất khó khăn.
Biện pháp cách ly nước ta đang áp dụng đặc biệt ở chỗ những trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp được cách ly tại cơ sở y tế, các nước khác thì cách ly tại nhà. Theo đó, Việt Nam cách ly ngay các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp (những người có khả năng lây nhiễm cao) thì khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất thấp. Nhiều ca khi phát hiện đang được cách ly tập trung.
Bên cạnh đó, các biện pháp cách ly cũng được điều chỉnh, thay vì cách ly một vùng như tại xã Sơn Lôi, hiện Việt Nam khoanh vùng nhỏ hơn, chặt hơn. Như vậy vừa đảm bảo vấn đề đời sống cho người dân, vừa đáp ứng được nhu cầu phòng chống dịch. Điều quan trọng là không được để lây nhiễm trong các trường hợp cách ly.
“Dù vất vả nhưng vẫn phải làm”, Thứ trưởng Long nói.
Thứ 3 là về điều trị, cách thức Việt Nam đang áp dụng khác với một số nơi. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, nước ta tập trung điều trị các ca bệnh ở tuyến cao nhưng tiếp tục phân tuyến cho các tuyến. Kể cả tuyến xã cũng tham điều trị với các ca nhẹ có triệu chứng lâm sang nhẹ nếu xuất hiện tình huống dịch lan tràn trong cộng đồng.
Quan điểm của Việt Nam là không tập trung mà phân tán cho các tuyến điều trị. Ca nặng được điều trị tại tuyến trên. Theo thứ trưởng Long một số nước áp dụng chính sách khác nhau, không thể so sánh. Có nước ca nhẹ thì điều trị nhà, có nước thì vào bệnh viện. Việt Nam luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi kịch bản.
Bên cạnh đó, phác đồ điều trị cũng luôn thay đổi, phù hợp tiệm cận với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm của các nước.
Xét nghiệm tất cả hành khách khách nhập từ khối Schengencủa châu Âu, Anh, Mỹ
Thứ 4 là điểm thay đổi của Việt Nam trong vấn đề phát hiện sớm. Theo đó tới đây sẽ mở rộng các đối tượng được xét nghiệm. Tất cả hành khách nhập từ khối Schengen của châu Âu, Anh, Mỹ từ ngày 14/3 đều phải giám sát y tế, khai tờ khai, kiểm tra thân nhiệt và xét nghiệm tại cửa khẩu. Mục đích là xét nghiệm nhanh nhất tất cả các trường hợp này.
Công suất xét nghiệm hiện đẩy nhanh lên rất nhiều. Các đơn vị được yêu cầu trả kết quả trong vòng 24h, tới đây cố gắng rút ngắn hơn thời gian trả kết quả.
Theo thứ trưởng Long ví dụ một hành khách đến Việt Nam từ Anh khi nhập cảnh sẽ được giám sát về y tế, khai từ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tập trung.
Thứ 5 là áp dụng khoa học công nghệ, một trong những thay đổi chiến lược của công cuộc phòng chống dịch bệnh. Cụ thể áp dụng tờ khai điện tử, nhắn tin với tất cả người dân… Quan điểm minh bạch, không dấu giếm.
“Chúng tôi đang làm việc với các hãng hàng không, đề nghị các chuyến bay khi đến Việt Nam ngoài kiểm dịch y tế phải khai tờ khai điện tử, khai ngay trên máy bay. Điều này nhằm tránh gây ùn ứ, khai giấy phải nhập lại mất rất nhiều thời gian”, thứ trưởng Long nói.
Thứ trưởng Long cho biết sẽ mở rộng diện xét nghiêm, xét nghiệm hết tất cả các trường hợp nhập cảnh từ khối khối Schengen của châu âu, Anh, Mỹ trong 14 ngày qua, xét nghiệm miễn phí. Ví dụ với chuyến bay VN54, Việt Nam mất 4 ngày mới kiểm soát hết được các hành khách: cư trú ở đâu, có nhân viên y tế tiếp cận, cách ly họ. Vì thế cần áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để rút ngắn thời gian này.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 14/3 ghi nhận 53 trường hợp mắc, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện; 37 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. Tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ: 3.584; tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 101 (trong đó: số mới trong ngày: 85, số cũ đang theo dõi: 16).