Thủ tục làm phiền doanh nghiệp

H.H 20/06/2017 08:15

Hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu là một mảng chuyên môn đòi hỏi sự phối hợp của đa ngành. Song ở lĩnh vực này, nhiều cơ quan quản lý đang lúng túng, DN gặp nhiều ách tắc.

Ảnh minh họa.

Một báo cáo gần đây nhất do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với Bộ Công thương vừa công bố cho biết, còn rất nhiều DN chưa hài lòng với tốc độ thông quan.

Có khoảng 37% DN bày tỏ sự băn khoăn về độ rõ ràng, dễ hiểu từ quy trình thông quan hải quan. Nguyên nhân dẫn đến những phàn nàn của DN là do chi phí cao, phí hải quan không minh bạch hoặc có quá nhiều loại phí xử lý tạo điều kiện cho các khoản hối lộ phát sinh.

Nhiều DN nói họ phải mất nhiều thời gian xử lý thủ tục hải quan, thông quan và xin giấy phép, chưa kể quy trình kiểm tra phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Trong khi đó một báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính (TTHC) Hải quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố đưa ra số liệu: 31% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan.

Một phản ánh của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam từng đưa ra cũng cho biết, các loại phí cảng biển của Hải Phòng tăng đã khiến cho DN mất thêm hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần thông quan.

Việc thực hiện mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang được triển khai rất mạnh.

Nhưng thẳng thắn mà nói rằng, cải cách này vẫn chưa thật sự đủ liều và thực tế nhiều DN vẫn gặp khó trong thực hiện các thủ tục như hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra sau thông quan.

Có một thực tế đang diễn ra, các bộ ban ngành liên tiếp đưa ra kế hoạch hành động thực hiện các chương trình cải cách của Chính phủ, nhưng khi triển khai thực hiện lại không tích cực.

Tinh thần cải cách chưa chuyển được xuống cấp cơ sở, các cán bộ công chức làm việc hằng ngày với DN. Điều này dẫn đến cảnh trên nóng dưới lạnh, DN là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.

Theo khẳng định của giới chuyên gia, khi thực hiện cải cách phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm.

Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, DN sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, ngành hải quan sẽ tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa hàng hóa qua biên giới; giảm thiểu giấy tờ, giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo đó, ngành hải quan phấn đấu đến hết năm 2017, sẽ rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đến hết năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Vấn đề thông quan, việc vướng mắc lớn nhất thời điểm này là các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các vấn đề liên quan đến quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đổi mới cách thức, giảm danh mục hàng hóa kiểm tra trong thông quan…

Đặc biệt là vấn đề hoàn thiện thể chế để đảm bảo cho quá trình thực hiện sau này mang tính ổn định, lâu dài. Bởi thực tế hiện nay, mặc dù các bộ, ngành đã có những kế hoạch giải pháp cụ thể trong nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng e rằng hiệu quả vẫn còn chưa được như mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tục làm phiền doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO