Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với TP HCM

Thanh Giang 13/05/2021 10:59

Ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM. Cùng tham dự với Thủ tướng Phạm Minh Chính có các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, và đại diện các bộ, ngành.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo với Thủ tướng về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời đề xuất Thủ tướng và các bộ ngành một số kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho thành phố phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng đưa ra 5 nhóm đề xuất chung cho thành phố, đó là: Phân cấp, phân quyền cho TP HCM; khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội (4 kiến nghị); đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kiến nghị liên quan đến thành phố Thủ Đức (3 kiến nghị); về quản lý đô thị (6 kiến nghị).

Về phân cấp, phân quyền, thành phố mong Chính phủ giao Bộ Nội vụ trong quý II-2021, ban hành nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP HCM. Bởi vì một số nội dung trong Nghị định 93 không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, không tạo cơ chế thuận lợi cho thành phố phát triển.

Riêng thành phố Thủ Đức, UBND TP HCM có một số kiến nghị về cơ chế liên quan. Lãnh đạo TP HCM cho rằng, để thành phố Thủ Đức thật sự trở thành một động lực tăng trưởng mới cho TP HCM và cả Vùng kinh tế phía Nam, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp thành phố xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Thủ Đức.

Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng Chính phủ) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; hoàn thiện đường trục Bắc - Nam theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Các công trình bổ sung nêu trên sẽ được cân đối thanh toán từ khoản kinh phí tiết kiệm được trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng của Dự án và từ khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp bổ sung (nếu có) theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các lô đất đã giao trước đây.

Mong muốn có nguồn lực tài chính để giải quyết nhiều điểm nghẽn đầu tư, phát triển TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem lại tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố. TP HCM đề xuất tỷ lệ điều tiết 23% cho giai đoạn 2022-2025 (như giai đoạn 2011-2016).

Lý do, thành phố là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%) nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước (từ năm 2017, tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách thành phố giảm từ 23% xuống còn 18%).

TP HCM cho rằng, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách thành phố. Việc cân đối chi đầu tư luôn là bài toán khó đối với thành phố, bởi công trình, dự án trọng điểm rất nhiều trong khi nguồn vốn rất hạn hẹp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau khi kiện toàn bộ máy Chính phủ, TP HCM là địa phương đầu tiên Chính phủ làm việc.

Thủ tướng yêu cầu, các thành viên Chính phủ sẽ cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội của thành phố trên tinh thần ngắn gọn, không giải thích, phân tích nhiều, cái nào được thì nói được, cái gì chưa được thì nói vì sao chưa được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với TP HCM

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO