Phát biểu tại Hội nghị “Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú cho biết: “Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo lập môi trường quản lý, chính sách đồng bộ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chu trì Hội nghị
"Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam”.
Chiều ngày 18/12/106, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị “Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam” tại TP Hồ Chí Minh. Sự kiện do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DDA) tổ chức. Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước và đại diện các doanh nghiệp.
Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam là dịp để Chính phủ, các bộ, ban, ngành có liên quan lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ, hướng đến việc xây dựng một mô hình làm nông nghiệp kiểu mới với hình thức, quy mô và quy trình công nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một chủ trương lớn quan trọng của Đảng và Nhà nước và đánh giá cao sáng kiến của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị này.
Tại hội nghị, DAA Việt Nam đã đề xuất xây dựng nhiều mô hình tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình công nông nghiệp kiểu mới này được dựa trên nền tảng của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp hội viên. Tổ hợp là khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung có diện tích lớn, được chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, sẽ quy tụ và liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong toàn chuỗi để đạt mục tiêu sản xuất với năng suất cao, sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh ở cả trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị ông Trương Gia Bình, Chủ tịch DAA Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn đưa ra cách làm mới trong nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân. Cách làm mới này sẽ góp phần làm thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thông sang “nông nghiệp công nghệ cao”, từ ngành có giá tri gia tăng và tốc độ tăng trưởng thấp sang ngành có giá trị vượt trội so với các ngành công nghiệp truyền thống và hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh cung cấp sản phẩm có chất lượng. Những thay đổi này sẽ mang lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và sung túc hơn cho người Việt Nam và nâng tầm vị thế của nông nghiệp Viêt Nam trên thế giới một cách bền vững”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Hội nghị
nhấn nút Khởi động chương trình Truy xuất nguồn gốc rau an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú đã đánh giá cao đề xuất này của DAA, Thủ tướng cho biết: “Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo lập môi trường quản lý, chính sách đồng bộ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển”. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố để trong năm 2017, Việt Nam sẽ có một khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên.
Tại hội nghị, DAA đã giới thiệu đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm , “Sử dụng tem thông minh DAA STAMP truy xuất nguồn gốc và kiểm soát quy trình sản xuất thực phẩm an toàn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan trưng bày các gian hàng bên lề Hội nghị.
Cùng với đó tại hội nghị, các đại biểu đã được tìm hiểu và học hỏi những kinh nghiệm thành công trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân thông qua các bài trình bày của đại diện các doanh nghiệp như Công ty TNHH Đầu tư thủy sản nam miền Trung, Công ty CP Hùng Nhơn, Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình…Đây là những doanh nghiệp đã tiên phong trong ứng dụng công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất, chuyển đổi mô hình quản lý từ nông hộ truyền thống sang doanh nghiệp nông nghiệp và đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực tôm giống, chăn nuôi gia cầm, trái cây xuất khẩu.
Theo Báo cáo phát triển Việt Nam có chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố mới đây, khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34ha, chỉ bằng hơn một nửa (0,6 - 0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines. Báo cáo này cũng cảnh báo xu hướng chung gần đây cho thấy GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.
Đại diện TP Hà Nội, TP HCM, DDA ký kết thỏa thuận cung cấp sản phẩm an toàn.
Được biết, DAA Việt Nam được thành lập ngày 21/9/2015 là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, minh bạch và phi lợi nhuận. DAA Việt Nam đặt lợi ích chung của cộng đồng, lợi ích dân tộc lên trước hết, phi chính trị, phi tôn giáo. Sau hơn 1 năm thành lập, DAA Việt Nam đã tập hợp và liên kết được khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và một số lĩnh vực liên quan khác để ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập thế giới.
DAA Việt Nam hoạt động dựa trên nguyên tắc nỗ lực nâng tầm vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thế giới một cách bền vững, theo hướng doanh nghiệp hóa, số hóa, liên kết hóa, góp phần mang lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và sung túc hơn cho người dân Việt Nam.