Chiều 2/7, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi năm 2019 với chủ đề “Quảng Ngãi - đồng hành cùng doanh nghiệp”. Hội nghị nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh Quảng Ngãi. Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Cùng tham dự hội nghị còn có nhiều lãnh đạo cấp bộ, ngành Trung ương, địa phương và hơn 500 đại biểu, đại diện doanh nghiệp.
Theo báo cáo, kể từ năm 2009, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất đi vào hoạt động, đã tạo bước đột phá và giữ vai trò chủ lực ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi.
Đến năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 116.223 tỷ đồng, gấp gần 200 lần so với năm đầu tái lập tỉnh cách đây 30 năm (1989), với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 20%/năm.
Đến nay, ngành công nghiệp tại Quảng Ngãi đã hình thành một số sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: các sản phẩm xăng, dầu, hạt nhựa của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các sản phẩm siêu trường, siêu trọng như lò hơi, thiết bị nâng hạ, hệ thống khử nước mặn; các thiết bị điện, sản phẩm điện tử…
Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước trên thế giới, tỉnh Quảng Ngãi đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát- Dung Quất với vốn đầu tư 54.000 tỷ đồng, công suất 4 triệu tấn sản phẩm/năm.
Dự án này sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ cho tỉnh trong những năm tới.
Quang cảnh Hội nghị.
Dự kiến, sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, dự án trên sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỉ USD/năm, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Đặc biệt, sau khi nhà máy hoạt động hết công suất sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh 4.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; nhất quán trong chính sách đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, xây dựng Quảng Ngãi từng bước trở thành “Điểm đến hấp dẫn” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nhiều tập đoàn lớn có mặt tại hội nghị như Thép Hòa Phát, FLC, VSIP... Đặc biệt, Thủ tướng vui mừng nhận thấy nhiều doanh nhân trẻ đang ở độ tuổi trẻ, điều đó thể hiện tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên.
“Ý nghĩa của điều này cũng vô cùng lớn. Đưa một địa phương đã phát triển và phát triển tiếp đã rất khó khăn, song để đưa một địa phương đi lên từ con số 0 hoặc có xuất phát điểm rất thấp lại khó khăn không kém. Quảng Ngãi có bước phát triển tốt, nhưng suy đến cùng, Quảng Ngãi vẫn là tỉnh nghèo, nhất là thu nhập của người dân.
Phải đưa thu nhập của người dân lên, đó là yêu cầu lớn của Chính phủ đối với các địa phương. Nói điều này để chúng ta thấy rằng, cần phải trân trọng từng đồng vốn đầu tư, dù nhỏ, của bất kỳ nhà đầu tư nào đầu tư ở địa phương, bởi giá trị mà những đồng vốn này mang lại cho địa phương và người dân vốn còn nhiều khó khăn nơi đây là vô cùng lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu khó khăn, thách thức với Quảng Ngãi, đó là tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa ổn định. Nhất là chênh lệch giữa đô thị và nông thôn. Đô thị mới chiếm 20%. Quy mô nền kinh tế nhìn chung còn nhỏ. Đời sống của người dân chưa thực sự khấm khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh về giá trị, nhưng lao động chậm chuyển dịch, giá trị gia tăng còn thấp. Sắc thái công nghiệp chưa rõ nét... Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương hiện nay.
Trên thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục cải cách hàng chính, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công khai minh bạch...
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy tính minh bạch, giải trình của cơ quan quản lý Nhà nước; phát huy tính tiên phong, sáng tạo, kịp thời hỗ trợ dịch vụ cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Thứ hai là có quy hoạch chiến lược phát triển ưu tiên các ngành kinh tế một cách có chọn lọc, rõ ràng để điều hướng phân bổ nguồn lực; cần rõ ràng giữa phát triển công nghiệp và du lịch;…
Được biết, cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm thành phố giáo dục quốc tế- IEC Quảng Ngãi.
* Quảng Ngãi cấp phép 15 dự án với tổng vốn đầu tư 14.538 tỷ đồng
Dịp này, UBND tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn Hoà Phát đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược về đầu tư phát triển. Đồng thời, tổ chức trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư 14.538 tỷ đồng.