Chính trị

Thủ tướng đề xuất 3 định hướng hợp tác trong Nhóm G77

H.Vũ (theo Chinhphu.vn) 04/12/2023 07:09

Ngày 3/12 (theo giờ địa phương), trong chương trình làm việc tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Robert Helms, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh).

anhongchinh3-12.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận chính của Hội nghị, Ảnh: Chinhphu.vn

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi và quản lý quỹ toàn cầu hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Đan Mạch. Hiện nay, Tập đoàn đã phát triển và quản lý 50 GW, tương đương 28 tỷ USD tại các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Đức và có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030. Tại Việt Nam, CIP đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.

Enterprize Energy (EE) là tập đoàn đa ngành của Anh hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và phát triển năng lượng (gồm dầu khí, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và nhiệt điện). Tại Việt Nam, EE đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với 2 dự án cấu phần: Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD; Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kinh nghiệm và năng lực của 2 tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và năng lượng mới; hoan nghênh tập đoàn đề xuất, cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan của Việt Nam để nghiên cứu, triển khai các dự án khả thi, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thông tin về việc sau Hội nghị COP 26, Việt Nam đã làm được 12 việc lớn để thực hiện các cam kết giảm phát thải ròng, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, góp ý xây dựng, hoàn thiện chiến lược, thể chế, triển khai các dự án cụ thể trên cơ sở quy hoạch, với các chính sách ưu tiên phù hợp (về thuế, giá, sử dụng đất, mặt nước, mặt biển).

Thủ tướng cũng cho rằng, cần phát triển đồng bộ cả về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện hiệu quả và bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp, hài hòa với các ngành khác. Nếu chỉ một bên có lợi còn bên kia thiệt hại thì cấu trúc hợp tác không tồn tại được, việc hợp tác không bao giờ bền vững.

Thủ tướng tái khẳng định một thông điệp, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các tập đoàn nói riêng đầu tư hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.

Trước đó, chiều 2/12 (theo giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu nhân dịp Hội nghị COP28 đã diễn ra tại Dubai, UAE. Hội nghị do Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez - Chủ tịch Nhóm G77 năm 2023 chủ trì, và có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng lãnh đạo cấp cao và đại diện từ 134 nước thành viên Nhóm G77 và đông đảo các tổ chức quốc tế.

Tại phiên thảo luận chính của hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng nhằm truyền tải chủ trương, cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như đưa ra một số định hướng hợp tác cho Nhóm G77 trong thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Cuba tổ chức hội nghị khẳng định vai trò dẫn dắt của Cuba trên cương vị Chủ tịch Nhóm G77. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đối với thế giới và Việt Nam.

Cũng tại phiên thảo luận chính, Thủ tướng đề xuất 3 định hướng hợp tác trong Nhóm G77. Một là, thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương với phương châm trách nhiệm chung nhưng khác biệt, bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước đang phát triển. Hai là, đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong G77 trên cơ sở thiết lập cơ chế hợp tác bao trùm, tận dụng tốt thế mạnh của các nước phát triển (về vốn công nghệ) và nhóm các nước đang phát triển (về thị trường, tài nguyên). Ba là, thúc đẩy tài chính ưu đãi cho khí hậu theo hướng dễ tiếp cận hơn, không làm tăng gánh nặng nợ và không đánh đổi nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển khác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chia sẽ quyết tâm chuyển đổi xanh của Việt Nam qua cam kết mạnh mẽ tại COP26, tham gia JETP, triển khai các quy hoạch, đề án, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng; bày tỏ sẵn sàng phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm với các nước G77.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng đề xuất 3 định hướng hợp tác trong Nhóm G77

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO