Ngày 11/1, Ủy ban trao giải Nobel Hòa bình đã vinh danh Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed vì những đóng góp trong chấm dứt xung đột với nước láng giềng Eritrea.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Nguồn: AFP.
Chấm dứt xung đột kéo dài
“Thủ tướng Ahmed được vinh danh vì những nỗ lực của ông trong việc đạt được hòa bình và hợp tác quốc tế, và đặc biệt là sáng kiến mang tính quyết định của ông nhằm giải quyết xung đột biên giới với Eritrea” - Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen, đưa ra thông báo trong chiều 11/10 (giờ VN).
Bà Reiss-Andersen cho biết ông Abiy Ahmed đã “khởi động nhiều cải cách quan trọng đem lại cho người dân hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn”. Ông cũng đóng góp vào các tiến trình hòa bình và hòa giải tại khu vực, bao gồm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Eritrea và Djibouti, làm trung gian giữa Kenya và Somali...
Bà cũng đề cập đến việc sẽ có những ý kiến về việc trao giải cho ông Abiy lúc này là “sớm”, khi ông chỉ mới đắc cử và nhậm chức vào năm ngoái. Tuy nhiên theo bà, giải thưởng là kịp thời để ghi nhận công sức của nhà lãnh đạo cũng như để “cổ vũ” những người khác.
Văn phòng Thủ tướng Ethiopia đã bày tỏ “niềm tự hào” khi ông Abiy Ahmed được chọn để trao giải Nobel Hòa bình. “Chiến thắng và sự ghi nhận này là thắng lợi tập thể của người dân Ethiopia, và là lời kêu gọi củng cố quyết tâm của chúng ta trong việc biến Ethiopia - Chân trời Hy vọng Mới - trở thành quốc gia thịnh vượng cho tất cả” - tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Ethiopia có đoạn.
Thủ tướng Ahmed gây chú ý vào năm 2018 sau khi xúc tiến chấm dứt 20 năm xung đột giữa Ethiopia và Eritrea. Chiến tranh hai nước bắt đầu từ tranh chấp biên giới năm 1998, 5 năm sau khi Eritrea giành độc lập khỏi Ethiopia.
Ethiopia và Eritrea đã rơi vào thế bế tắc quân sự sau cuộc chiến tranh biên giới 1998-2000 khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng (một số ước tính khác nói là 300.000). Trong suốt 2 thập kỷ, các nỗ lực đạt được một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt chiến tranh đều thất bại.
Theo phán quyết của một ủy ban quốc tế tại The Hague, Hà Lan, Eritrea đã vi phạm luật quốc tế và kích động chiến tranh với việc xâm lấn Ethiopia. Cuối cuộc chiến, Ethiopia đã giành quyền kiểm soát mọi lãnh thổ tranh chấp và lấn qua lãnh thổ Eritrea.
Sau khi cuộc chiến kết thúc, Ủy ban Biên giới do Liên hợp quốc thành lập đã tuyên bố vùng đất Badme, trung tâm của tranh chấp lãnh thổ, thuộc về Eritrea. Tuy nhiên cho đến năm 2019, Ethiopia vẫn kiểm soát vùng đất này.
Ngày 5/6/2018, liên minh cầm quyền tại Ethiopia do Thủ tướng Abiy Ahmed dẫn đầu đã đồng ý thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình (Hiệp định Hòa bình Algiers) ký với Eritrea vào năm 2000 cũng như tuân thủ phán quyết trọng tài của Ủy ban Biên giới vào năm 2002. Đến tháng 7/2018, cả hai bên cùng tuyên bố hòa bình.
Lịch sử Nobel Hòa bình
Giải Nobel Hòa bình là một trong năm giải thưởng ban đầu được Alfred Nobel đề cập trong di chúc. Theo nguyện vọng của ông, giải Nobel hòa bình nên được trao “cho người đã đóng góp nhiều nhất hoặc tốt nhất cho việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang cũng như tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình”.
Trong khi các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do một tổ chức của Thụy Điển quyết định, người hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra.
Từ năm 1901 đến năm 2018, giải thưởng đã được trao cho 106 cá nhân và 24 tổ chức, trong đó người trẻ nhất từng nhận giải là nhà hoạt động người Pakistan Malala Yousafzai (17 tuổi, năm 2014). Do bản chất liên quan đến chính trị, giải Nobel Hòa bình đã luôn là chủ đề gây tranh cãi trong lịch sử.
Khác với các giải Nobel còn lại, giải Nobel Hòa bình cũng được trao cho các tổ chức, hội nhóm, chẳng hạn Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (3 lần) và Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (2 lần). Gần nhất, giải thưởng năm 2017 được trao cho Chiến dịch Quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN).