Sáng 22/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023", với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0". Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan ở Trung ương; đại diện lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam; một số ban của Đảng, ủy ban của Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo thanh niên toàn quốc và thanh niên người Việt đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài.
Tham gia cùng Thủ tướng đối thoại với thanh niên có Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Xây dựng và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Nhiều băn khoăn được giải đáp
Tại Hội nghị, các đại biểu thanh niên đã đặt các câu hỏi và lãnh đạo các bộ, ngành cùng Thủ tướng đã trả lời các câu hỏi xoay quanh 3 chủ đề chính: Giáo dục đào tạo, vì mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; kiến tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, khởi nghiệp, sáng tạo.
Trả lời vấn đề mà doanh nhân trẻ Phạm Nhật Thành đặt ra về những quyết sách quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hiện toàn ngành giáo dục đang triển khai đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo và nhiều chương trình, đề án, dự án khác với mục tiêu chung là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc đại học với những kỹ năng, phẩm chất, năng lực có thể giúp cho thanh niên, học sinh đáp ứng được yêu cầu của công việc trong lao động, trong thời đại công nghiệp 4.0.
Còn giảng viên Chu Đức Hà (Trường Đại học Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề: Theo Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đến năm 2030, tăng 15% số thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; tăng 15% số công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì; tăng 10% số thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ. Vậy giải pháp nào để thực hiện các chỉ tiêu này?”.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành Nghị quyết về thu hút, sử dụng đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là lực lượng trẻ. Hiện nay, Bộ cũng đang tích cực xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, Bộ đang thúc đẩy để đội ngũ khoa học trẻ tích cực hơn nữa trong nghiên cứu khoa học.
Trước băn khoăn của Vũ Như Quỳnh - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam (Trường Đại học Thương mại), làm sao để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, giáo dục đại học trong thời gian tới sẽ được đổi mới ra sao? Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, để thanh niên có thể đáp ứng tốt nhu cầu việc làm trong thời đại 4.0 liên quan tới toàn bộ chất lượng giáo dục đại học chứ không chỉ một khâu nào cả.
Theo ông Sơn, hiện nay các trường đại học đang rất tích cực tăng cường thêm lĩnh vực đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và rất nhiều ngành khác liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để cho người lao động có thể thích ứng được tốt nhất thì các trường đại học tùy theo lĩnh vực đào tạo khác nhau sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ sinh viên tốt nhất theo yêu cầu trong thời gian sắp tới.
Đối thoại, trao đổi để tìm giải pháp hiệu quả nhất
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao. Để đạt mục tiêu, khát vọng này, chúng ta thực hiện 3 trụ cột lớn: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (để phát huy tối đa khối đại đoàn kết, năng lực của mỗi người dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại), xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân tham gia thực hiện các chính sách; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật), xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật khách quan như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết).
Thủ tướng cho rằng, quan điểm xuyên suốt coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội. Đất nước ta có truyền thống lịch sử nghìn năm và trong thế kỷ trước, chúng ta phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sau đó, phải trải qua nhiều năm cấm vận kéo dài. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã vượt qua các khó khăn để phát triển và đến nay chúng ta tiếp tục phải vượt qua các khó khăn, thách thức.
Theo Thủ tướng, cuộc sống luôn có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức, chúng ta phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội và thuận lợi, không bi quan trước khó khăn, thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng đôi tay, khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.
"Tôi tin chắc là với khí thế của tuổi trẻ, thế hệ trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức như cha ông chúng ta đã làm và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên chúng ta" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả cuộc đối thoại; ấn tượng với những chia sẻ, suy nghĩ, trăn trở, lo toan của các đại biểu; những câu hỏi chân thành, trách nhiệm, đúng, trúng với các vấn đề quan tâm của thanh niên; và các câu trả lời, giải đáp, giải pháp để thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam phát triển tốt hơn, làm tốt hơn nữa công tác thanh niên trong thời gian tới đây.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước nhiệt huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam một lần nữa được thể hiện trong cuộc đối thoại rất cởi mở, chân thành.
Gửi thông điệp tới hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam ở cả trong nước và đang học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài, Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho sự phát triển toàn diện của thanh niên Việt Nam; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy tối đa vai trò của thanh niên, tạo thuận lợi cho thanh niên cống hiến, chia sẻ với đất nước, với dân tộc. Các thế hệ thanh niên đã đóng góp cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành luôn đối thoại, trao đổi để tìm giải pháp hiệu quả nhất, khuyến khích sự cống hiến không mệt mỏi của thanh niên. Chúng ta tin tưởng và luôn tạo môi trường, luôn cổ vũ để thanh niên phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành mục tiêu, lý tưởng của mình và mong muốn, tâm nguyện của thế hệ cha anh đi trước, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại đối thoại, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới đoàn viên, thanh niên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng cũng trao phần thưởng của Thủ tướng tặng 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 và 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn thanh niên phát huy hơn nữa tinh thần "5 tiên phong", gồm: Tiên phong trong học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, bản lĩnh, ý chí trong cuộc sống và công việc; tiên phong trong lao động, sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng trong mọi hoàn cảnh; tiên phong trong hội nhập quốc tế để bạn bè quốc tế thấy thanh niên Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào về ý chí, trí tuệ, phẩm chất, tình cảm, sự chân thành; tiên phong trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đấu tranh chống các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, các thông tin xấu độc.