Thủ tướng mong các nhà đầu tư giúp Cao Bằng 'không cao hơn thì cũng phải bằng'

Theo VGP 25/11/2018 16:42

Sáng 25/11, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, chính quyền cần cùng tham gia giải bài toán chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp khi đầu tư vào Cao Bằng, chứ không nên xem đó là việc của doanh nghiệp.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư giúp Cao Bằng 'không cao hơn thì cũng phải bằng'

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP.

Hoan nghênh các nhà đầu tư có mặt tại hội nghị, vì “giúp nhau lúc khó mới quý”, Thủ tướng đã giới thiệu về tiềm năng phát triển của Cao Bằng để các nhà đầu tư thấy rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Theo Thủ tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin chính trị vào nơi đây, khởi đầu cho sự nghiệp kháng chiến hào hùng và cách mạng đã thành công. Ngày nay chúng ta sẽ quyết tâm tìm ra những đòn bẩy chiến lược để phát triển kinh tế của Cao Bằng để khai thác một thị trường lớn liền kề là tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) quy mô GDP trên 350 tỷ USD, đang có tốc độ tăng trưởng rất cao và khả năng kết nối với các tỉnh, thành trong nước, khối ASEAN, với thuận lợi là 333 km đường biên giới, với 1 cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu quốc gia.

Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng cần tập trung vào 3 hướng đi chính: Dịch vụ du lịch; nông nghiệp, lâm nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu.

Để du khách “một lần đi, nhiều lần nhớ”

Thứ nhất là du lịch cần trở thành ngành mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng như du lịch lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, địa hình,… được khai thác dựa trên yếu tố bền vững, độc đáo riêng có của Cao Bằng, phát huy giá trị Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng mới được công nhận.

Chính quyền địa phương hãy cùng với nhà đầu tư và các chuyên gia bàn cách để những di sản này phục vụ cho quốc kế dân sinh, Thủ tướng đề nghị.

Mô hình du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng, tương tác chiến lược các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực,... để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc để du khách “một lần đi, nhiều lần nhớ”.

Muốn vậy, du lịch Cao Bằng cần trả lời được 6 câu hỏi: Làm sao để du khách đến đông hơn? Làm sao để du khách ở lâu hơn? Làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch?

Làm sao để du khách hiểu được những giá trị và kể những câu chuyện về Thác Bản Giốc, Núi Các Mác, Suối Lê Nin, Rừng Trần Hưng Đạo và những điều thú vị khác về Cao Bằng. Làm sao để du khách mong muốn quay trở lại Cao Bằng sớm nhất có thể? Làm sao để người dân, nhất là đồng bào dân tộc được hưởng lợi từ văn hóa, nghệ thuật, từ du lịch? Đây cũng là câu hỏi mà nhà đầu tư cần nghiên cứu.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư giúp Cao Bằng 'không cao hơn thì cũng phải bằng' - 1

Ảnh VGP.

Ba trụ cột nông nghiệp

Thứ hai, Cao Bằng cần phát triển nông lâm nghiệp nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Cao Bằng có tiềm năng rất lớn về đất phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp. Nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, vật nuôi đặc hữu riêng có, với nguồn gien phong phú như lúa nếp hương Xuân Trường, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, hồi Thạch An, Trà Lĩnh, lê Đông Khê, bưởi Phục Hòa, hạt dẻ Trùng Khánh… giống bò và gà xương đen của đồng bào Mông, lợn đen Táp Ná, ngựa Nước Hai, chó lùn Bảo Lạc.... đây là lợi thế lớn nhất của Cao Bằng mà các tỉnh khác không có được. “Tôi thấy mọi người ở đây về Hà Nội chắc chắn mang hạt dẻ về để tặng, biếu nhưng chúng ta có ít quá. Chúng tôi muốn có sản lượng hàng hóa lớn trong nông nghiệp chứ không chỉ những túi quà nhỏ lẻ”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng gợi ý phát triển nông nghiệp Cao Bằng cần dựa trên ba trụ cột gồm: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến (công nghệ gen, công nghệ chế biến…) và liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành. Xây dựng và nâng cấp thương hiệu là phương cách hữu hiệu để nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh một ngành nghề có thế mạnh, có nguồn nguyên liệu, có thị trường lớn, là trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng.

Phải tận dụng tốt kinh tế cửa khẩu

Thứ ba là phát triển kinh tế cửa khẩu. Kinh tế cửa khẩu có vai trò chiến lược trong phát triển sản xuất, thương mại, kết nối với thị trường Trung Quốc rộng lớn và tiềm năng.

Thủ tướng cho biết, hàng hóa từ Cao Bằng đi Nam Ninh (Thủ phủ của Quảng Tây) chỉ có 180 km, bằng 1/2 quãng đường về Hà Nội. Cao Bằng phải tận dụng tốt điều này.

“Chúng ta thực hiện nghiêm túc nguyên tắc thúc đẩy hoà bình, hợp tác cùng phát triển, hai bên cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau. Cần đề cao hợp tác thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là với thị trường đông dân nhất thế giới. Cao Bằng phải thấy được cơ hội chiến lược của mình trong đó” – Thủ tướng nói.

Xóa bỏ tâm lý tiêu cực

Thủ tướng đề nghị Cao Bằng chú trọng phát triển cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Về hạ tầng cứng, cần lưu ý nhất là giao thông. Về hạ tầng mềm, quan trọng nhất là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Con người vẫn là trung tâm, là chìa khóa phát triển. Thủ tướng lưu ý đầu tư cho nguồn vốn con người, nhất là đào tạo lao động có kỹ năng chuyên sâu trong một số lĩnh vực trọng tâm mà Cao Bằng có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.

“Đảng bộ và chính quyền Cao Bằng cần đưa ra thông điệp với các nhà đầu tư: Điều kiện chúng tôi khó gấp đôi, chúng tôi sẽ cố gắng gấp ba. Tập trung xóa bỏ “ranh giới mềm” trong bối cảnh “điều kiện cứng” (ví dụ cơ sở hạ tầng) còn khó khăn, chưa thuận lợi”, Thủ tướng nói. Chỉ số PCI của Cao Bằng ít nhất phải ở nhóm trung bình khá để để có thể “hội nhập” và hòa mình hiệu quả vào dòng chảy năng động và phát triển của cả vùng động lực tăng trưởng kinh tế phía Bắc.

Cao Bằng cần tăng khả năng và cơ hội tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, đảm bảo công bằng, minh bạch, tối đa hóa giá trị khai thác và lợi ích kinh tế cho địa phương. Cao Bằng cần làm tốt công tác quy hoạch đất đai, bố trí lại dân cư, lồng ghép vào trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cho rằng chi phí cao, đi lại mất thời gian, vất vả chắc chắn sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, chính quyền cần cùng tham gia giải bài toán chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp khi đầu tư vào Cao Bằng, chứ không nên xem đó là việc của doanh nghiệp. “Từ lãnh đạo cho đến các sở ngành, các huyện, xã phải xóa bỏ tâm lý tiêu cực khi nghĩ rằng định mệnh Cao Bằng nằm ở vị trí quá bất lợi không thể phát triển. Chính tâm lý đó mới là lực cản thực sự đối với phát triển”.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư giúp Cao Bằng 'không cao hơn thì cũng phải bằng' - 2

Ảnh VGP.

Không cao hơn thì cũng phải bằng

Cao Bằng nằm trong 10 địa phương có mật độ dân số thưa nhất, điều kiện địa hình đồi núi chia cắt, việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ rất tốn kém. Cao Bằng cần phải tư duy dựa trên lý thuyết “lợi thế kinh tế nhờ quy mô”. Cụ thể là Cao Bằng cần phải có phương án quy hoạch lại bố trí dân cư theo hướng tập trung nhằm tăng hiệu quả đầu tư.

Yêu cầu phát huy các sáng kiến mô hình giáo dục tập trung (ví dụ như tăng cường đầu tư cho các trường nội trú để tăng hiệu quả về đầu tư), Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng đang có cơ hội tiên phong “thử nghiệm” các mô hình cải cách mới. Thủ tướng cam kết ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để Cao Bằng nói riêng, các địa phương miền núi nói chung “thử nghiệm” các thể chế mới, các mô hình, sáng kiến mới nhằm tạo ra các đột phá về phát triển và cung cấp phúc lợi cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc anh em.

Với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, đồng hành và hỗ trợ, Chính phủ, các bộ, ngành cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hết mực để Cao Bằng kiến tạo thành công các nền móng hạ tầng bền vững, một môi trường kinh doanh cạnh tranh và hấp dẫn nhất dành cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với Cao Bằng.

Gửi gắm thông điệp với nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, Cao Bằng là nôi của cách mạng nhưng còn rất khó khăn. Đầu tư ở đây, ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế, còn tạo ra được việc làm và thu nhập cho đồng bào còn đang rất nghèo. “Đó là lợi ích đặc biệt mà tôi muốn kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm”. Chính phủ và chính quyền địa phương rất trân trọng những nhà đầu tư đến với địa phương. Do vậy, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết đầu tư của mình và đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương và chia sẻ có trách nhiệm với sinh kế người dân.

“Ai đã hiểu Cao Bằng thì đều rất cảm động với lòng hiếu khách, tính hào sảng, chân tình của người Cao Bằng. Lòng hào hiệp, chân tình này làm rất nhiều người yêu Cao Bằng. Có một câu ca dao nói về tình cảm của lữ khách đến thăm Cao Bằng là “Chân đi đá lại dùng dằng, nửa nhớ Cao Bằng nửa nhớ vợ con”. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư: “Chúng ta cam kết không gây ô nhiễm môi trường, không phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử, không sử dụng lao động bất hợp pháp, không trốn thuế. Chúng ta cam kết đầu tư vì sự phát triển của Cao Bằng, trong đó có lợi ích lâu dài của chính chúng ta. Chúng ta tự hào là những nhà đầu tư chân chính”.

Thủ tướng chúc các nhà đầu tư thành công, góp phần cho tỉnh Cao Bằng “không cao hơn thì cũng phải bằng”, không để thua kém trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng mong các nhà đầu tư giúp Cao Bằng 'không cao hơn thì cũng phải bằng'