Chiều ngày 27/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng 12 Bộ trưởng, 9 Thứ trưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
với lãnh đạo TP HCM, ngày 27/6. (Ảnh: TTXVN).
Phân cấp nhiều hơn cho TP HCM
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, 6 tháng đầu năm kinh tế thành đạt tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó, tổng sản phẩm nội địa GDP tăng 7,47%; tổng mức bán lẻ tăng 11,3%; xuất khẩu tăng trưởng khá, tăng 8%, đạt 13,5 tỷ USD (không tính giá trị dầu thô); thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Song song với những thành quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, thành phố muốn Chính phủ hỗ trợ những cơ chế đi kèm để thành phố dễ phát phấn đấu và phát triển.
Theo đó, thành phố kiến nghị phân cấp mạnh việc ban hành các chính sách phù hợp với địa phương, phí xăng dầu, môi trường, phí bất động sản và phí chuyển nhượng bất động sản. Được thí điểm thành lập một số cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc và hỗ trợ thành phố thực hiện một số chức năng… Riêng lĩnh vực ngân sách, thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận giữ nguyên tỷ lệ phần trăm để lại cho ngân sách thành phố như hiện nay là 23%, kể từ ngân sách năm 2017 và ổn định trong 10 năm để thành phố thực hiện kế hoạch tài chính trung - dài hạn. Nhằm tạo cơ chế đặc thù về phân cấp nguồn thu phù hợp với quy mô đô thị lớn thành phố kiến nghị cấp lại cho thành phố một phần số thu từ khoản thuế hoạt động xuất nhập khẩu, dự kiến khoảng 8-12% trong tổng số thu và thực hiện trong 10 năm...
Liên quan đến cơ chế đặc thù về quản lý và ngân sách mà thành phố kiến nghị, nhiều Bộ ngành bày tỏ quan điểm ủng hộ thành phố được thí điểm các cơ chế đặc thù. “Chính phủ cùng các bộ ngành nên tạo điều kiện cho thành phố phát triển hơn hiện nay vì GDP của thành phố đã tăng 1,5 so với cả nước. Đầu tàu có lớn, có khỏe mới kéo được các toa tàu còn lại”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói.
Tại buổi làm việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành quả mà thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước đạt được. Tuy nhiên theo Thủ tướng, thành phố đang gặp khá nhiều khó khăn về tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư, công nghệ, năng lực cạnh tranh hạn chế. TP HCM cần nỗ lực xây dựng để trở thành thành phố văn minh, năng động, hiện đại. Về kiến nghị cơ chế đặc thù về quản lý và ngân sách của thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tạo điều kiện về cơ chế chính sách để thành phố phát triển chứ không thu hẹp. Không lo thiếu cơ chế chính sách, chỉ sợ không có tiềm lực phát triển. “Chính phủ cho phép thành phố thí điểm những vấn đề mới phát sinh nhưng chưa có những quy định hiện hành. Thành phố phải xây dựng đề án thí điểm với những nội dung cụ thể và chịu sự giám sát của Chính phủ. Phân cấp nhiều hơn về tài chính công, quy hoạch, nhân sự, tổ chức… Về cơ bản chúng tôi nhất trí các kiến nghị của thành phố, tạo mọi điều kiện để thành phố thực hiện tốt”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nền nông nghiệp thông minh, bền vững
Trước đó, sáng ngày 27/6, tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2016.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà trong thời gian tới cần phải phát triển nơi đây thành một địa chỉ của nền nông nghiệp thông minh, bền vững của Đồng Nam Á và châu Á. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành ĐBSCL cần tích hợp mục tiêu nông thôn mới vào mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp với quy hoạch đê điều và hồ chứa là mục tiêu quan trọng; bảo vệ rừng ngập mặn; nhanh chóng phục hồi hệ sinh thái, chuyển đổi cây trồng vật nuôi…Thủ tướng cũng đề nghị WB mở rộng cấp tín dụng ưu đãi theo tiêu chuẩn cao nhất, thời gian giải ngân nhanh nhất, cử các chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, đánh giá tiềm năng về nước mặt, nước ngầm, khả năng sụt lún, xói lở, xây dựng mạng lưới giám sát BĐKH và nước biển dâng, xác định kịch bản phát triển hoàn chỉnh toàn vùng; đào tạo nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản trị nhà nước thích ứng với BĐKH cho các địa phương bị ảnh hưởng.
Phát biểu tại đây, bà Victoria Kwakwa- Phó Chủ tịch Vùng Đông Á và Thái Bình Dương Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh: “Chúng tôi đều có mục đích chung là giúp nông dân vùng ĐBSCL có khả năng đối phó với thách thức, mang lại thịnh vượng trong tương lai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên một số giải pháp, bên cạnh đó các cơ quan Trung ương và địa phương có tầm nhìn chung với nhau. Chúng ta phải điều chỉnh khả năng chống chịu như đắp hệ thống đê điều, trồng rừng phòng hộ; sử dụng nước tiết kiệm, thí điểm cơ chế sử dụng chung nguồn nước vùng ĐBSCL; áp dụng các kinh nghiệm và công nghệ mới để đối phó với sự biến đổi khó lường của biến đổi khí hậu trong tương lai”.