Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu, bàn về các giải pháp gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2016 và những năm tiếp theo.
Thành phố Lai Châu.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều lên đến trên 40%
Theo báo cáo của tỉnh, GDP bình quân đầu người năm 2015 của tỉnh Lai Châu đạt 18,2 triệu đồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2014; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất lương thực tăng cao, cơ bản giải quyết được an ninh lương thực, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất lúa, ngô và cây công nghiệp như cây chè, cây cao su, đặc biệt công tác trồng và phát triển rừng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng; thực hiện tốt các chính sách về di dân tái định cư các thủy điện trên địa bàn, hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20,48%.
Tuy nhiên, Lai Châu còn rất nhiều khó khăn tỷ lệ hộ nghèo cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém và chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; tiềm lực, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Có thể nói, hiện nay, Lai Châu là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước. So với khi tách tỉnh năm 2004, đến nay tình hình kinh tế - xã hội, thu nhập đầu người, cơ sở hạ tầng được cải thiện, xong vẫn là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều lên đến trên 40%. Trong 96 xã của tỉnh có đến 77 xã đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, khoảng 18,2 triệu/người/năm.
Trong khi đó, nguồn nhân lực còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Về cơ sở hạ tầng, do khó khăn về giao thông, địa hình đồi núi cao chiếm đa số, nên không thuận lợi trong giao thương và thu hút đầu tư nên đến nay cả tỉnh chỉ có 1.100 doanh nghiệp.
Do hạn chế về lượng vốn đầu tư vào Lai Châu đã dẫn đến việc tỉnh thiếu nguồn thu, năm 2015, lượng thu đạt 1.000 tỷ đồng; kế hoạch năm 2016 là 1.500 tỷ. Do đó, các khoản chi tiêu công của tỉnh phụ thuộc vào ngân sách trung ương. Mỗi năm Lai Châu được trung ương cấp kinh phí gần 7.000 tỷ đồng nhưng 80% là chi thường xuyên, chỉ còn trên 20% chi cho đầu tư phát triển.
Để tạo động lực cho phát triển, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với TP Lai Châu; bố trí vốn nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục, nhất là hiện vẫn còn trên 1.600 phòng học tạm, học nhờ.
Sinh hoạt văn hóa thu hút sự tham gia của đông đảo bà con.
Hỗ trợ để nông nghiệp có giá trị cao hơn
Đánh giá về tình hình phát triển của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Lai Châu có cách làm, phương pháp hiệu quả trong phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở lâu dài để thực hiện xóa đói giảm nghèo; phát huy được một số mô hình, loại cây giống có hiệu quả như: cao su, chè, cây công nghiệp.
Thủ tướng cũng nhận định, Lai Châu cũng là địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu về độ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường rừng. Công tác tái định cư thủy điện được triển khai tốt; thu hút đầu tư có hiệu quả và thực hiện tốt công tác đối ngoại, giữ gìn tình hữu nghị, đoàn kết với các địa phương giáp biên. Kết quả công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV, bầu cử HĐND được thực hiện tốt, hệ thống chính trị ổn định, vững mạnh… Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lai Châu cũng thực hiện tốt chính sách dân tộc
Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện tốt những việc đã làm được, trong đó tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu, phải có chỉ đạo quyết liệt hơn để nông nghiệp có giá trị sản phẩm cao hơn. Lai Châu cần thực hiện tốt các quy hoạch đã có, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo nguồn thu và giải quyết việc làm tại địa phương. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần phối hợp, đưa ra các biện pháp hỗ trợ Lai Châu giải quyết các vấn đề khó khăn bức xúc.
Bản thân tỉnh Lai Châu cần nỗ lực thực hiện hiệu quả các chương trình nông, lâm nghiệp trọng điểm gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của các sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ phù hợp. Lựa chọn, xác định sản phẩm du lịch phù hợp đặc điểm địa phương để thu hút du khách.
Về kiến nghị của Lai Châu đối với vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với TP Lai Châu. Đây là điểm then chốt để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu.
Đối với các dự án cơ sở hạ tầng khác mà Lai Châu mong muốn được Nhà nước đầu tư, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, dự kiến phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó có ít nhất một số công trình bức xúc nhất của Lai Châu.
Tỉnh Lai Châu cũng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực xã hội; trong đó cần chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, y tế, thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động.
Để đảm bảo vốn thực hiện kiên cố hóa trường học, lớp học giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp đề xuất của các tỉnh, trong đó có Lai Châu vào đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông, và trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 5 này.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tùy theo lĩnh vực, chức năng được giao ưu tiên việc phối hợp, tạo điều kiện cho Lai Châu phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế, đảm bảo tốt quốc phòng, an ninh và các vấn đề an sinh xã hội.
Hơn 90 trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn được đầu tư xây mới Ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cắt băng khánh thành trạm y tế xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, một trong 5 trạm y tế được xây dựng mới, đầu tư tại Lai Châu từ nguồn ngân sách Liên minh châu Âu hỗ trợ cho ngành y tế. Công trình này trị giá 3,2 tỷ đồng. Bản Hon là xã vùng cao, có đến 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo trên 35%, việc khám chữa bệnh của người dân gặp rất nhiều khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở. Công trình trạm y tế xã Bản Hon được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia về y tế, gồm các trang thiết bị khám chữa bệnh ban đầu, đáp ứng nhu cầu của người dân. |