ASEM 12 diễn ra tại Bruxelles, Bỉ, vào ngày 18 – 19/10/2018 với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Sáng 14/10 (giờ Việt Nam) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam đã lên đường sang Thủ đô Vienne, Cộng hòa Áo, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 12, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh châu Âu từ ngày 14-21/10.
ASEM 12 diễn ra tại Bruxelles, Bỉ, vào ngày 18 – 19/10/2018 với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”. Đây là ASEM đầu tiên trong thập niên thứ ba, đề ra biện pháp nhằm phát huy vai trò ASEM trong thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối Á – Âu, đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của thế giới và hai châu lục. Các nhà lãnh đạo ASEM sẽ thông qua Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị.
Qua hơn 2 thập kỷ tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM. Đóng góp nổi bật nhất của ta bao gồm: Tổ chức thành công ASEM 5 (2004), cùng 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ - thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), lao động (2012), và triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của ASEM. Việt Nam tham gia đề xuất, thúc đẩy 2 lần mở rộng thành viên ASEM (ASEM 5, 2004 và HNBT Ngoại giao ASEM lần thứ 9, 2009) và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (2004). Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn với đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân, như văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, phát triển bao trùm, kinh tế số…
Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mê Công – Đa-nuýp, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mê Công lên tầm liên khu vực. Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM.
Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030-P4G được hình thành trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch nhằm tạo điều kiện và giúp phát triển quan hệ đối tác công tư đóng góp, thúc đẩy tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu 2030 thông qua thực hiện tăng trưởng xanh, thể hiện và tạo điều kiện cho việc phổ biến các giải pháp cũng như mở rộng quy mô thực hiện các giải pháp trên toàn cầu. Đến nay, Diễn đàn P4G đã có 7 quốc gia tham dự. Ngày 6/6/2018, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đan Mạch về các nội dung liên quan tới việc thăm chính thức Đan Mạch và dự Diễn đàn P4G vào tháng 10 này.