Hôm nay (16/1), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư hồi tháng 9/2015. (Ảnh: TTXVN).
Hiện, hai nước vẫn duy trì nhiều cơ chế đối thoại song phương như: Ủy ban Hợp tác Việt - Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao (từ năm 2010); Đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Nhật cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2012); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2013).
Hai nước cũng thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương như LHQ, ASEAN, APEC, ASEM, Hội đồng Nhân quyền... Việt Nam ủng hộ Nhật Bản vào Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (2016-2017).
Đối với hợp tác về kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Đến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (năm 2015).
Hai bên đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) (tháng 10/2009)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước; cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang cùng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Năm 2015, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 28,526 tỷ USD (tăng 3,3% so với năm 2014), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD (giảm 4%), nhập khẩu đạt 14,426 tỷ USD (tăng 11,6%).
Nguyên nhân xuất khẩu sang Nhật giảm do sự sụt giảm giá của nhóm nhiên liệu khoáng sản, đặc biệt là dầu thô. 11 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đạt 26,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,21 tỷ USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ 2015), nhập khẩu đạt 13,6 tỷ USD (tăng 3,3%).
Riêng về đầu tư trực tiếp, lũy kế tính đến ngày 20/11/2016, Nhật Bản có 3.242 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 42,016 tỷ USD, đứng 2 trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (sau Hàn Quốc).
11 tháng đầu năm 2016, Nhật Bản có 296 dự án cấp mới, 195 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,95 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hai bên hoàn thành báo cáo kết thúc Sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn 5 và bắt đầu triển khai giai đoạn 6 từ tháng 8-2016.
Hiện Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2015 (31/3/2016), Nhật Bản đã cam kết khoảng 29,5 tỷ USD (theo tỷ giá hiện nay) vốn vay ODA cho Việt Nam.
Đối với vấn đề Biển Đông, Nhật Bản khẳng định cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm các tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ DOC và sớm xây dựng COC; phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.